Xe tải, xe chở công nhân và xe rước khách của công ty có phải gắn phù hiệu xe không? Phù hiệu xe kinh doanh vận tải có giá trị sử dụng là bao lâu?
Những loại xe nào phải gắn phù hiệu trên xe theo quy định mới nhất hiện nay?
Căn cứ theo các quy định về phù hiệu xe dưới đây, những loại xe kinh doanh vận tải sau đây phải dán phù hiệu:
– Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định: Dán phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” theo khoản 4 Điều 4 Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
– Xe ô tô sử dụng để vận tải trung chuyển hành khách phải có phù hiệu “XE TRUNG CHUYỂN” quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
– Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt phải có phù hiệu “XE BUÝT” theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
– Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải có phù hiệu “XE TAXI” theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
– Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
– Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng:
+ Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ phải có phù hiệu “XE CÔNG-TEN-NƠ”, xe ô tô đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải hàng hóa phải có phù hiệu “XE ĐẦU KÉO” được quy định tại khoản 6 Điều 9 Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
Theo khoản 4 Điều 36 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định như sau:
"4. Phù hiệu xe nội bộ đã được cấp theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô không còn giá trị sử dụng từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành."
Dẫn chiếu đến quy định về vận tải người nội bộ tại khoản 6 Điều 3 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP là hoạt động vận tải do các đơn vị sử dụng loại xe ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở lên để định kỳ vận chuyển cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hoặc học sinh, sinh viên của mình từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc học tập và ngược lại. Và tại khoản 1 Điều 48 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT quy định xe ô tô vận tải người nội bộ có sức chứa từ 16 chỗ ngồi trở lên phải đảm bảo các yêu cầu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, xe ô tô vận tải người nội bộ phải có phù hiệu “XE NỘI BỘ” theo mẫu quy định. Tuy nhiên quy định này đã hết hiệu lực theo quy định khoản 4 Điều 36 Nghị định 10/2020/NĐ-CP nêu trên.
Như vậy, đối với công ty anh hiện có 02 xe tải 14 tấn, 06 xe chở công nhân từ (05 - 46) chỗ, 02 xe 7 chỗ và 01 xe rước khách 10 chỗ là xe nội bộ của công ty, không kinh doanh vận tải thì không phải gắn phù hiệu theo quy định nêu trên.
Phù hiệu xe (Hình từ Internet)
Phù hiệu xe kinh doanh vận tải có giá trị sử dụng là bao lâu?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 22 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định thời hạn có giá trị của phù hiệu xe như sau:
"2. Thời hạn có giá trị của phù hiệu
a) Phù hiệu cấp cho xe ô tô kinh doanh vận tải, phù hiệu cấp cho xe trung chuyển có giá trị 07 năm hoặc theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải (thời gian đề nghị trong khoảng từ 01 năm đến 07 năm) và không quá niên hạn sử dụng của phương tiện;
b) Phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” cấp cho các xe tăng cường giải tỏa hành khách trong các dịp Tết Nguyên đán có giá trị không quá 30 ngày; các dịp Lễ, Tết dương lịch và các kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng có giá trị không quá 10 ngày."
Giám sát hành trình áp dụng cho những loại xe nào theo quy định hiện nay?
Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển phải lắp thiết bị giám sát hành trình căn cứ theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định.
Như vậy, trường hợp xe công ty anh nếu thuộc các loại xe sau đây: xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển phải lắp thiết bị giám sát hành trình thì phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.