Việt kiều có được làm thẻ căn cước không? Thủ tục làm thẻ căn cước cho Việt kiều như thế nào hiện nay?
Việt kiều có được làm thẻ căn cước không?
Theo Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
4. Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Theo Điều 19 Luật Căn cước 2023 quy định về người được cấp thẻ căn cước như sau:
Người được cấp thẻ căn cước
1. Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam.
2. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.
3. Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.
Theo đó, các đối tượng có thể được xem là Việt kiều là:
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài: là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
- Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài: là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Nếu Việt kiều là người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam thì vẫn được cấp thẻ căn cước như bình thường
Nếu là người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài hoặc người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài mà còn giữ quốc tịch Việt Nam và từ đủ 14 tuổi trở lên thì thuộc đối tượng được cấp thẻ căn cước.
Trường hợp Việt kiều còn quốc tịch Việt Nam và dưới 14 tuổi mà có nhu cầu thì vẫn được cấp thẻ căn cước.
Việt kiều có được làm thẻ căn cước không? Thủ tục làm thẻ căn cước cho Việt kiều như thế nào? (hình từ internet)
Thủ tục làm thẻ căn cước cho Việt kiều như thế nào?
Theo Điều 23 Luật Căn cước 2023 quy định trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước như sau:
Thủ tục cấp thẻ căn cước cho người từ đủ 14 tuổi trở lên được thực hiện như sau:
- Người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin của người cần cấp thẻ căn cước từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xác định chính xác người cần cấp thẻ căn cước; trường hợp chưa có thông tin của người cần cấp thẻ căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 10 của Luật này;
- Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước;
- Người cần cấp thẻ căn cước kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước;
- Người tiếp nhận cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước;
- Trả thẻ căn cước theo địa điểm ghi trong giấy hẹn; trường hợp người cần cấp thẻ căn cước có yêu cầu trả thẻ căn cước tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước trả thẻ căn cước tại địa điểm theo yêu cầu và người đó phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
Người dưới 14 tuổi hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi được đề nghị cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ căn cước. Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi được thực hiện như sau:
- Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Trường hợp người dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước. Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi;
- Người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Người đại diện hợp pháp của người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.
Lưu ý: Trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải có người đại diện hợp pháp hỗ trợ làm thủ tục quy định tại khoản 1 Điều này.
Việt kiều không có nơi cư trú thì thông tin cư trú trên thẻ căn cước được xác định như thế nào?
Theo Điều 4 Thông tư 17/2024/TT-BCA quy định về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước đối với thông tin về nơi cư trú như sau:
Nội dung thể hiện trên thẻ căn cước đối với thông tin về nơi cư trú
1. Thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi thường trú của người được cấp thẻ căn cước.
2. Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có nơi thường trú nhưng có nơi tạm trú thì thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi tạm trú của người được cấp thẻ.
3. Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có nơi thường trú, nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thì thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi ở hiện tại của người được cấp thẻ.
4. Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có thông tin về nơi cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc khai báo thông tin về cư trú. Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, không có nơi cư trú tại Việt Nam thì thông tin về nơi cư trú trên thẻ căn cước thể hiện là địa chỉ cư trú ở nước ngoài (ghi rõ phiên âm bằng tiếng Việt).
Như vậy, Việt kiều là công dân Việt Nam sống ở nước ngoài lâu năm (định cư ở nước ngoài) không có nơi cư trú tại Việt Nam thì thông tin về nơi cư trú trên thẻ căn cước thể hiện là địa chỉ cư trú ở nước ngoài (ghi rõ phiên âm bằng tiếng Việt).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.