Viên chức nhà nước có buộc phải tham gia công đoàn ở cơ sở không? Thủ tục xin ra khỏi công đoàn đối với viên chức nhà nước thực hiện như thế nào?
Viên chức nhà nước có buộc phải tham gia công đoàn ở cơ sở không?
Theo quy định tại Mục 3 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020 quy định về đối tượng và điều kiện gia nhập Công đoàn Việt Nam như sau:
"3. Đối tượng và điều kiện gia nhập Công đoàn Việt Nam theo Điều 1 Điều lệ Công đoàn Việt Nam
3.1. Đối tượng gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam
Người Việt Nam làm công hưởng lương trong các đơn vị sử dụng lao động đang hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm:
a. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp; cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Đối với cơ quan xã, phường, thị trấn bao gồm những người hưởng lương, định suất lương, phụ cấp, đang làm việc trong cơ quan hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cấp xã.
b. Người lao động làm công hưởng lương đang làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã.
c. Người lao động đang làm việc trong các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.
d. Người lao động tự do, hợp pháp thuộc khu vực lao động phi chính thức, nếu có nguyện vọng, được gia nhập Công đoàn Việt Nam và được sinh hoạt theo hình thức nghiệp đoàn cơ sở.
đ. Người lao động được cơ quan có thẩm quyền cử làm đại diện quản lý phần vốn của Nhà nước, đang giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài."
Như vậy, viên chức nhà nước gia nhập công đoàn được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, không có quy định nào bắt buộc cá nhân nào phải gia nhập công đoàn.
Tham gia công đoàn ở cơ sở (Hình từ Internet)
Thủ tục gia nhập Công đoàn cơ sở cần chuẩn bị các yêu cầu gì?
Về thủ tục gia nhập Công đoàn cơ sở, căn cứ theo quy định tại Mục 4.1 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020 quy định như sau:
"4. Thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam và chuyển sinh hoạt công đoàn theo Điều 3
4.1. Thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam
a. Người gia nhập công đoàn phải tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam; có đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam, đơn phải có chữ ký của người viết đơn (bao gồm chữ ký điện tử). Trường hợp đơn của tập thể người lao động phải có chữ ký của từng người lao động.
b. Nơi đã có công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở (sau đây gọi chung là công đoàn cơ sở), ban chấp hành công đoàn cơ sở nhận đơn, xem xét, quyết định kết nạp và tổ chức lễ kết nạp đoàn viên.
- Trong buổi lễ có thể cùng lúc kết nạp nhiều đoàn viên; những người được kết nạp phải có mặt tại buổi lễ (trừ trường hợp vắng có lý do chính đáng), công đoàn cơ sở công bố quyết định kết nạp đoàn viên, trao quyết định và trao thẻ cho đoàn viên công đoàn (nếu có).
- Những đơn vị có đông đoàn viên, ban chấp hành công đoàn cơ sở có thể ủy quyền cho công đoàn cơ sở thành viên hoặc công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận (gọi chung là công đoàn bộ phận), tổ công đoàn, tổ nghiệp đoàn (gọi chung là tổ công đoàn) trực thuộc tổ chức lễ kết nạp đoàn viên.
c. Nơi chưa có công đoàn cơ sở
- Người lao động nộp đơn xin gia nhập công đoàn cho công đoàn cấp trên nơi gần nhất hoặc ban vận động thành lập công đoàn cơ sở (nếu có).
+ Trường hợp nộp đơn cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở: Trong vòng 15 ngày, kể từ ngày nộp đơn, công đoàn cấp trên phải xem xét, quyết định việc kết nạp hoặc không kết nạp đoàn viên và giới thiệu nơi sinh hoạt cho đoàn viên khi có quyết định kết nạp.
+ Trường hợp người lao động nộp đơn cho ban vận động: Trong thời gian 15 ngày kể từ khi nộp đơn, nếu nơi người lao động có đơn xin gia nhập công đoàn, chưa đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở thì người lao động có quyền chuyển đơn lên công đoàn cấp trên xem xét, quyết định kết nạp đoàn viên và được giới thiệu sinh hoạt tại công đoàn cơ sở gần nơi đoàn viên đang làm việc nhất, cho đến khi công đoàn cơ sở tại nơi làm việc được thành lập.
- Trường hợp có đủ người lao động liên kết thành lập công đoàn cơ sở theo quy định, thì ban vận động tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở và đề nghị công đoàn cấp trên công nhận theo quy định tại Mục 12.1 và 12.2 của Hướng dẫn này.
d. Việc kết nạp lại đoàn viên công đoàn: Đoàn viên đã ra khỏi tổ chức công đoàn, nếu có nguyện vọng gia nhập lại tổ chức Công đoàn Việt Nam phải có đơn xin ra nhập lại gửi công đoàn cơ sở nơi làm việc. Ban chấp hành công đoàn cơ sở có trách nhiệm xem xét, thẩm định nếu đủ điều kiện thì đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp quyết định kết nạp lại."
Như vậy, việc gia nhập công đoàn được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, không có quy định nào bắt buộc cá nhân nào phải gia nhập công đoàn.
Thủ tục xin ra khỏi công đoàn đối với viên chức nhà nước thực hiện như thế nào?
Về thủ tục xin rút khỏi công đoàn đối với viên chức nhà nước thì không có văn bản hướng dẫn chi tiết, bạn có thể tham khảo tại Mục 4.3 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020 quy định cụ thể như sau:
"4.3. Công tác quản lý đoàn viên công đoàn
a. Đoàn viên công đoàn được quản lý thông qua thẻ đoàn viên, do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn thống nhất quản lý về phôi thẻ, mã số thẻ, phân cấp cho liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương thực hiện in thẻ đoàn viên.
b. Thẻ đoàn viên được trao trong buổi lễ kết nạp hoặc sau khi được kết nạp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đoàn viên nhận thẻ phải thực hiện đúng nguyên tắc sử dụng thẻ đoàn viên, khi mất hoặc hỏng phải báo ngay với công đoàn cơ sở nơi đang sinh hoạt để được cấp lại hoặc đổi thẻ đoàn viên. Khi phát hiện thẻ đoàn viên giả phải báo cáo kịp thời với công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên.
c. Đoàn viên ra khỏi tổ chức công đoàn, bị khai trừ khỏi tổ chức công đoàn thì công đoàn cơ sở nơi đoàn viên công đoàn đang sinh hoạt hoặc công đoàn cấp trên xóa tên trong danh sách đoàn viên."
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.