Việc thành lập phân hiệu có được xem là một trong những hoạt động hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam không?
- Hợp tác quốc tế về giáo dục với nước ngoài được thực hiện như thế nào?
- Thành lập phân hiệu có phải hoạt động đầu tư, hợp tác với nước ngoài về giáo dục không?
- Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp có được công nhận tại Việt Nam không?
- Nguyên tắc và điều kiện công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam quy định như thế nào?
Hợp tác quốc tế về giáo dục với nước ngoài được thực hiện như thế nào?
Nguyên tắc hợp tác quốc tế về giáo dục quy định tại Điều 106 Luật Giáo dục 2019:
Nhà nước mở rộng, phát triển hợp tác quốc tế về giáo dục theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, bình đẳng và các bên cùng có lợi.
Cụ thể, việc hợp tác về giáo dục với nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Điều 107 Luật Giáo dục 2019 như sau:
(1) Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục của Việt Nam hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.
(2) Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật theo hình thức tự túc hoặc bằng kinh phí do tổ chức, cá nhân trong nước cấp hoặc do tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ.
(3) Nhà nước dành ngân sách cử người đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức và trình độ đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài về những ngành, nghề và lĩnh vực then chốt để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(4) Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật; việc hợp tác về giáo dục với tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Thành lập phân hiệu có phải hoạt động đầu tư, hợp tác với nước ngoài về giáo dục không?
Thành lập phân hiệu trong lĩnh vực giáo dục
Các hình thức hợp tác, đầu tư của nước ngoài về giáo dục tại Việt Nam tại khoản 3 Điều 108 Luật Giáo dục 2019 bao gồm:
"a) Liên kết giáo dục, đào tạo;
b) Thành lập văn phòng đại diện;
c) Thành lập phân hiệu;
d) Thành lập cơ sở giáo dục;
đ) Các hình thức hợp tác, đầu tư khác."
Có thể thấy, thành lập phân hiệu cơ sở giáo dục là một trong những hình thức hợp tác, đầu tư của nước ngoài về giáo dục tại Việt Nam.
Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp có được công nhận tại Việt Nam không?
Những trường hợp công nhận để sử dụng văn bằng do cơ sở nước ngoài cấp được quy định tại khoản 1 Điều 109 Luật Giáo dục 2019 như sau:
"1. Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận để sử dụng tại Việt Nam trong trường hợp sau đây:
a) Văn bằng do cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài cấp cho người học sau khi hoàn thành chương trình giáo dục bảo đảm chất lượng theo quy định của nước cấp bằng và được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó công nhận;
b) Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại nước khác nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính cấp cho người học, được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của 02 nước cho phép mở phân hiệu hoặc thực hiện hợp tác, liên kết đào tạo và đáp ứng quy định tại điểm a khoản này;
c) Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam cấp, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định về hợp tác, đầu tư về giáo dục do Chính phủ ban hành, theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền và đáp ứng quy định tại điểm a khoản này."
Có thể thấy, trong những trường hợp cụ thể nêu trên, văn bằng do cơ sở nước ngoài cấp sẽ có hiệu lực sử dụng tại Việt Nam.
Nguyên tắc và điều kiện công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam quy định như thế nào?
Nguyên tắc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được quy định tại Điều 3 Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT như sau:
(1) Công nhận văn bằng được thực hiện theo nhu cầu của người có văn bằng, cơ quan quản lý về nhân sự hoặc đơn vị quản lý lao động khi được sự đồng ý của người có văn bằng (sau đây gọi chung là người đề nghị công nhận văn bằng).
(2) Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận khi người học hoàn thành chương trình giáo dục bảo đảm chất lượng theo quy định của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính và được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó công nhận quy định tại Điều 4 Thông tư này.
(3) Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được miễn thực hiện thủ tục công nhận văn bằng khi đáp ứng quy định tại Điều 5 Thông tư này.
(4) Cơ sở giáo dục đại học căn cứ các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư này tự đánh giá văn bằng để sử dụng trong hoạt động đào tạo và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đánh giá văn bằng. Trường hợp cần thiết, cơ sở giáo dục đại học yêu cầu người có văn bằng thực hiện thủ tục công nhận văn bằng quy định tại Điều 7 Thông tư này.
Điều kiện công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được quy định tại Điều 4 Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT như sau:
(1) Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học được công nhận khi chương trình giáo dục có thời gian học, nghiên cứu phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam và đáp ứng một trong hai điều kiện sau:
a) Chương trình giáo dục được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng tương ứng với hình thức đào tạo;
b) Cơ sở giáo dục nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính cho phép đào tạo, cấp bằng hoặc đã được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng.
(2) Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động tại nước khác nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính (bao gồm cả Việt Nam) được công nhận khi cơ sở giáo dục đó được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của hai nước cho phép mở phân hiệu, cho phép đào tạo hoặc phê duyệt việc hợp tác, liên kết đào tạo; thực hiện hoạt động đào tạo theo giấy phép đồng thời đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.
(3) Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức đào tạo trực tuyến, đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến được công nhận khi đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và một trong hai điều kiện sau:
a) Chương trình đào tạo được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo tại Việt Nam khi người học lưu trú và học tập tại Việt Nam;
b) Chương trình đào tạo được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước nơi tổ chức đào tạo cấp phép khi người học lưu trú và học tập tại nước đó.
(4) Việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và các trường hợp bất khả kháng khác do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định.
Như vậy, việc hợp tác quốc tế về giáo dục với nước ngoài đã và đang được Nhà nước ta đẩy mạnh phát triển. Một trong những hình thức đầu tư, hợp tác với nước ngoài về giáo dục tại Việt Nam là thành lập phân hiệu cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, trường hợp văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài sẽ được thực hiện dựa trên những nguyên tắc và điều kiện nhất định, nhằm đảm bảo có hiệu lực sử dụng tại Việt Nam.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.