Việc lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình có thuộc trình tự quản lý xây dựng công trình không?
Việc lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình có thuộc trình tự quản lý xây dựng công trình không?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 2 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
...
4. Bản vẽ hoàn công là bản vẽ công trình xây dựng hoàn thành, trong đó thể hiện vị trí, kích thước, vật liệu và thiết bị được sử dụng thực tế.
5. Hồ sơ hoàn thành công trình là tập hợp các hồ sơ, tài liệu có liên quan tới quá trình đầu tư xây dựng công trình cần được lưu lại khi đưa công trình vào sử dụng.
...
Căn cứ theo khoản 10 Điều 11 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Trình tự quản lý thi công xây dựng công trình
1. Tiếp nhận mặt bằng thi công xây dựng; thực hiện việc quản lý công trường xây dựng.
2. Quản lý vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng.
3. Quản lý thi công xây dựng công trình của nhà thầu.
4. Giám sát thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư, kiểm tra và nghiệm thu công việc xây dựng trong quá trình thi công xây dựng công trình.
5. Giám sát tác giả của nhà thầu thiết kế trong quá trình thi công xây dựng công trình.
6. Thí nghiệm đối chứng, thử nghiệm khả năng chịu lực của kết cấu công trình và kiểm định xây dựng trong quá trình thi công xây dựng công trình.
7. Nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng, bộ phận công trình xây dựng (nếu có).
8. Nghiệm thu hạng mục công trình, công trình hoàn thành để đưa vào khai thác, sử dụng.
9. Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có).
10. Lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình.
11. Hoàn trả mặt bằng.
12. Bàn giao công trình xây dựng.
Theo đó, hồ sơ hoàn thành công trình là tập hợp các hồ sơ, tài liệu có liên quan tới quá trình đầu tư xây dựng công trình cần được lưu lại khi đưa công trình vào sử dụng.
Như vậy, việc lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình sẽ thuộc trình tự quản lý thi công xây dựng công trình.
Việc lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình có thuộc trình tự quản lý xây dựng công trình không? (Hình từ Internet)
Thời gian lưu trữ hình ảnh trong hồ sơ hoàn thành công trình sẽ do ai quy định?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 11 Thông tư 174/2021/TT-BQP có quy định như sau:
Lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng
1. Lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP, Quy chế công tác lưu trữ trong Bộ Quốc phòng ban hành kèm theo Thông tư số 30/2021/TT-BQP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
2. Các bộ phận công trình bị che khuất, che lấp phải có hình ảnh (ảnh chụp, video) do tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng thực hiện để phục vụ công tác kiểm tra, nghiệm thu. Hình ảnh ghi lại phải rõ nét, thể hiện được hình khối, quy cách, thời gian, vị trí thực hiện. Thời gian lưu trữ hình ảnh do chủ đầu tư quy định nhưng không ngắn hơn thời gian bảo hành công trình.
Theo đó, đối với các bộ phận công trình bị che khuất, che lấp phải có hình ảnh (ảnh chụp, video) do tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng thực hiện để phục vụ công tác kiểm tra, nghiệm thu.
Do đó, hình ảnh ghi lại phải rõ nét, thể hiện được hình khối, quy cách, thời gian, vị trí thực hiện và thời gian lưu trữ hình ảnh trong hồ sơ hoàn thành công trình sẽ do chủ đầu tư quy định nhưng không ngắn hơn thời gian bảo hành công trình.
Việc lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 26 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định về việc lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng sau đây:
- Chủ đầu tư phải tổ chức lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng theo quy định tại Phụ lục VIb Nghị định 06/2021/NĐ-CP trước khi đưa hạng mục công trình hoặc công trình vào khai thác, vận hành. Tải
- Hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng được lập một lần chung cho toàn bộ dự án đầu tư xây dựng công trình nếu các công trình (hạng mục công trình) thuộc dự án được đưa vào khai thác, sử dụng cùng một thời điểm. Trường hợp các công trình (hạng mục công trình) của dự án được đưa vào khai thác, sử dụng ở thời điểm khác nhau thì có thể lập hồ sơ hoàn thành công trình cho riêng từng công trình (hạng mục công trình) này.
- Chủ đầu tư tổ chức lập và lưu trữ một bộ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng; các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng công trình lưu trữ các hồ sơ liên quan đến phần việc do mình thực hiện. Trường hợp không có bản gốc thì được thay thế bằng bản chính hoặc bản sao hợp pháp. Riêng công trình nhà ở và công trình di tích, việc lưu trữ hồ sơ còn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về di sản văn hóa.
- Thời gian lưu trữ hồ sơ tối thiểu là 10 năm đối với công trình thuộc dự án nhóm A, 07 năm đối với công trình thuộc dự án nhóm B và 05 năm đối với công trình thuộc dự án nhóm C kể từ khi đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng.
- Hồ sơ nộp Lưu trữ lịch sử của công trình thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.