Việc kiểm kê tài sản được doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện vào thời điểm nào? Tài sản đã được kiểm kê cần phân loại ra sao?
Việc kiểm kê tài sản được doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện vào thời điểm nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 46/2021/TT-BTC quy định về việc kiểm kê tài sản như sau:
Kiểm kê, phân loại tài sản
1. Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm kiểm kê, phân loại tài sản, các nguồn vốn và quỹ đang quản lý, sử dụng tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp; phối hợp với Tổ chức tư vấn thực hiện kiểm kê, phân loại tài sản.
...
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 126/2017/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 140/2020/NĐ-CP) cũng quy định về việc kiểm kê tài sản như sau:
Kiểm kê, phân loại tài sản và xử lý tồn tại về tài chính
...
2. Khi nhận được quyết định thực hiện cổ phần hóa của cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức kiểm kê, phân loại tài sản, các nguồn vốn và quỹ doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng, đối chiếu và xác nhận công nợ tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
Đối với một số tài sản chuyên ngành của các doanh nghiệp cổ phần hóa mà việc tiếp cận tài sản để kiểm kê và đánh giá hiện trạng thực tế của tài sản không đảm bảo tính khả thi, hiệu quả thì doanh nghiệp lập phương án kiểm kê và đánh giá hiện trạng thực tế của tài sản này để báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu gửi lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, kỹ thuật có liên quan. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, kỹ thuật có liên quan phải có ý kiến trả lời bằng văn bản về phương án kiểm kê và đánh giá hiện trạng thực tế của tài sản. Căn cứ ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, kỹ thuật, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định phương án kiểm kê phù hợp và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm kê.
...
Như vậy, doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ thực hiện kiểm kê tài sản khi nhận được quyết định thực hiện cổ phần hóa của cơ quan có thẩm quyền (thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp).
Việc kiểm kê tài sản được doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện vào thời điểm nào? (Hình từ Internet)
Công tác kiểm kê tài sản được doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Thông tư 46/2021/TT-BTC quy định về việc kiểm kê tài sản như sau:
Kiểm kê, phân loại tài sản
...
2. Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp phải lập bảng kê xác định đúng số lượng, hiện trạng thực tế, chất lượng và giá trị của tài sản hiện có do doanh nghiệp đang quản lý và sử dụng; kiểm quỹ tiền mặt, đối chiếu số dư tiền gửi ngân hàng; xác định tài sản, tiền mặt thừa, thiếu so với sổ kế toán, phân tích rõ nguyên nhân thừa, thiếu và trách nhiệm của những người có liên quan, xác định mức bồi thường theo quy định của pháp luật.
Theo đó, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp cổ phần hóa phải lập bảng kê xác định đúng số lượng, hiện trạng thực tế, chất lượng và giá trị của tài sản hiện có do doanh nghiệp đang quản lý và sử dụng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn cần kiểm kê quỹ tiền mặt, đối chiếu số dư tiền gửi ngân hàng; xác định tài sản, tiền mặt thừa, thiếu so với sổ kế toán, phân tích rõ nguyên nhân thừa, thiếu và trách nhiệm của những người có liên quan, xác định mức bồi thường theo quy định của pháp luật.
Sau khi hoàn thành việc kiểm kê tài sản doanh nghiệp cổ phần hóa cần phân loại tài sản của doanh nghiệp thành những những nhóm nào?
Theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 46/2021/TT-BTC thì sau khi kiểm kê tài sản, doanh nghiệp cần phân loại tài sản thành những nhóm:
(1) Tài sản dùng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
(2) Tài sản không cần dùng, tài sản ứ đọng, chậm luân chuyển, tài sản chờ thanh lý.
(3) Tài sản hình thành từ nguồn quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi (nếu có).
(4) Tài sản thuê, mượn, vật tư hàng hóa nhận giữ hộ, nhận gia công, nhận đại lý, nhận ký gửi, tài sản nhận góp vốn liên doanh, liên kết và các tài sản khác không phải của doanh nghiệp.
(5) Tài sản gắn liền với đất chưa xử lý theo phương án sắp xếp lại, xử lý đối với các cơ sở nhà, đất theo quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.
(6) Tài sản của các đơn vị sự nghiệp có thu (các cơ sở nhà đất của các đơn vị sự nghiệp có thu theo pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước), tài sản hoạt động sự nghiệp.
(7) Các loại tài sản hiện có tại doanh nghiệp (tài sản kết cấu hạ tầng; tài sản khác đang quản lý, sử dụng; tài sản là công trình đầu tư đang thực hiện dở dang) được đầu tư bằng vốn đầu tư công và được xác định là tài sản công. Trong đó nêu rõ:
+ Tài sản công giao cho doanh nghiệp quản lý, sử dụng được tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
+ Tài sản công giao cho doanh nghiệp quản lý, sử dụng không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
+ Tài sản công doanh nghiệp không tiếp tục quản lý, sử dụng thực hiện bàn giao cho các đối tượng khác quản lý hoặc thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Các tài sản này phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định phương án giao, xử lý trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp.
(8) Tài sản chờ quyết định xử lý của các cơ quan có thẩm quyền.
(9) Các khoản đầu tư tài chính góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, bằng tiền/tài sản khác (trong đó thuyết minh rõ phương án xử lý tài sản đem góp vốn liên doanh khi kết thúc liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài).
(10) Các khoản đầu tư tại các công ty cổ phần tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp mà doanh nghiệp cổ phần hóa đang sở hữu (bao gồm cả số cổ phiếu đã nhận được, đang quản lý, theo dõi trên thuyết minh báo cáo tài chính) và số lượng cổ phiếu được chia cổ tức sẽ nhận được sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, thông báo về quyền nhận cổ tức tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
(11) Tài sản khác (nếu có).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.