Việc bảo quản tài sản thi hành án là giấy tờ có giá được thực hiện theo phương thức nào? Bảo quản ở đâu?
- Việc bảo quản tài sản thi hành án là giấy tờ có giá được thực hiện theo phương thức nào? Bảo quản ở đâu?
- Việc giao bảo quản tài sản thi hành án cho cá nhân thì Chấp hành viên cần thực hiện thủ tục như thế nào?
- Chi phí bảo quản tài sản thi hành án có phải thuộc một trong các chi phí cưỡng chế thi hành án hay không?
Việc bảo quản tài sản thi hành án là giấy tờ có giá được thực hiện theo phương thức nào? Bảo quản ở đâu?
Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 58 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định về hình thức bảo quản tài sản thi hành án và nơi bảo quản tài sản như sau:
Bảo quản tài sản thi hành án
1. Việc bảo quản tài sản thi hành án được thực hiện bằng một trong các hình thức sau đây:
a) Giao cho người phải thi hành án, người thân thích của người phải thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 40 của Luật này hoặc người đang sử dụng, bảo quản;
b) Cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản;
c) Bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án dân sự.
2. Tài sản là kim khí quý, đá quý, tiền hoặc giấy tờ có giá được bảo quản tại Kho bạc nhà nước.
...
Dẫn chiếu khoản 2 Điều 40 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định về thủ tục thông báo trực tiếp cho cá nhân như sau:
Thủ tục thông báo trực tiếp cho cá nhân
...
2. Trường hợp người được thông báo vắng mặt thì văn bản thông báo được giao cho một trong số những người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với người đó, bao gồm vợ, chồng, con, ông, bà, cha, mẹ, bác, chú, cô, cậu, dì, anh, chị, em của đương sự, của vợ hoặc chồng của đương sự.
Việc giao thông báo phải lập thành biên bản. Ngày lập biên bản là ngày được thông báo hợp lệ.
Trường hợp người được thông báo không có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc có nhưng người đó từ chối nhận văn bản thông báo hoặc người được thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về thì người thực hiện thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được thông báo, có chữ ký của người chứng kiến và thực hiện việc niêm yết công khai theo quy định tại Điều 42 của Luật này.
...
Từ quy định trên thì đối với việc bảo quản thi hành án thì có thể thực hiện theo các hình thức như:
- Giao cho người phải thi hành án, người thân thích của người phải thi hành án hoặc người đang sử dụng, bảo quản;
- Cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản;
- Bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án dân sự.
Đối với việc giao tài sản cho người thân thích của người phải thi hành án bảo quả tài sản thì chỉ được thực hiện khi người phải thi hành án vắng mặt. Việc giao thông báo phải lập thành biên bản. Ngày lập biên bản là ngày được thông báo hợp lệ.
Trường hợp người phải thi hành án không có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc có nhưng người đó từ chối việc bảo quản tài sản thi hành án hoặc người phải thi hành án được thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về thì phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc giao tài sản thi hành án để bảo quản, có chữ ký của người chứng kiến và thực hiện việc niêm yết công khai
Đối với tài sản thi hành án cần được bảo quản là giấy tờ có giá thì tài sản phải được bảo quản ở kho bạc nhà nước.
Việc bảo quản tài sản thi hành án là giấy tờ có giá được thực hiện theo phương thức nào? Bảo quản ở đâu? (Hình từ Internet)
Việc giao bảo quản tài sản thi hành án cho cá nhân thì Chấp hành viên cần thực hiện thủ tục như thế nào?
Căn cứ khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 58 Luật Thi hành án dân sự 2008 thì việc giao bảo quản tài sản thi hành án đươc Chấp hành viên thực hiện như sau:
- Việc giao bảo quản tài sản phải được lập biên bản ghi rõ loại tài sản, tình trạng tài sản, giờ, ngày, tháng, năm giao; họ, tên Chấp hành viên, đương sự, người được giao bảo quản, người làm chứng, nếu có; quyền, nghĩa vụ của người được giao bảo quản tài sản và có chữ ký của các bên. Trường hợp có người từ chối ký thì phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.
- Người được giao bảo quản tài sản là cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản thì được trả thù lao và được thanh toán chi phí bảo quản tài sản. Thù lao và chi phí bảo quản tài sản do người phải thi hành án chịu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Biên bản giao bảo quản tài sản được giao cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người được giao bảo quản tài sản hoặc người đang sử dụng, bảo quản tài sản và lưu hồ sơ thi hành án.
Lưu ý: trường hợp người được giao bảo quản tài sản vi phạm quy định của pháp luật trong việc bảo quản tài sản thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chi phí bảo quản tài sản thi hành án có phải thuộc một trong các chi phí cưỡng chế thi hành án hay không?
Căn cứ Điều 73 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định về chi phí cưỡng chế thi hành án đối với người phải thi hành án như sau:
Chi phí cưỡng chế thi hành án
1. Người phải thi hành án chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:
a) Chi phí thông báo về cưỡng chế thi hành án;
b) Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng, chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án;
c) Chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản; chi phí định giá lại tài sản, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này;
d) Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; chi thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án;
đ) Chi phí cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ;
e) Tiền bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án.
...
Như vậy, trong trường hợp người thi hành án bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án thì chi phí bảo quản tài sản sẽ được tính vào trong chi phí cưỡng chế mà người thi hành án phải chi trả.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.