Việc bảo quản, bảo dưỡng máy bơm chữa cháy được thực hiện như thế nào? Nếu máy bơm chữa cháy bị hỏng thì có bị xử phạt không?
Việc bảo dưỡng máy bơm chữa cháy được thực hiện như thế nào?
Theo Điều 8 Thông tư 17/2021/TT-BCA quy định việc bảo dưỡng máy bơm chữa cháy trên phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:
Bảo quản, bảo dưỡng định kỳ
1. Bảo dưỡng định kỳ được thực hiện định kỳ hằng tháng, hằng quý và hằng năm tại nơi quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc cơ sở bảo dưỡng theo đúng quy định của nhà sản xuất và do thợ máy, kỹ thuật viên, người đã được đào tạo thực hiện;
2. Nội dung bảo quản, bảo dưỡng: Kiểm tra tình trạng kỹ thuật chung của phương tiện, tổ chức đánh giá chi tiết chất lượng phương tiện, áp dụng quy định của nhà sản xuất về cấp bảo dưỡng, sửa chữa và tình hình thực tế tại cơ sở để có phương án bảo quản, bảo dưỡng phù hợp đối với từng loại phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
3. Phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sau khi thực hiện bảo quản, bảo dưỡng định kỳ phải được người được giao quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đánh giá, xác nhận và ghi đầy đủ vào sổ theo dõi phương tiện theo Mẫu số 01, Mẫu số 02, Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này.
Theo đó, việc bảo dưỡng máy bơm chữa cháy được thực hiện bảo dưỡng định kỳ hằng tháng, hằng quý và hằng năm tại nơi quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc cơ sở bảo dưỡng theo đúng quy định của nhà sản xuất và do thợ máy, kỹ thuật viên, người đã được đào tạo thực hiện.
Và ngoài ra, tại tiểu mục 3 Mục II Phụ lục I kèm theo Thông tư 17/2021/TT-BCA quy định một số dung bảo dưỡng như sau:
- Vệ sinh, làm sạch bề mặt các chi tiết máy, hệ thống bơm chữa cháy và các van hút, phun nước, van luân lưu làm mát....
- Bắt chặt các bộ phận, các mối liên kết, các chi tiết, các đầu dây điện.
- Bắt chặt bình điện với giá đỡ, bắt chặt các cực của ắc quy, sạc lại bình ắc quy ngay sau mỗi lần sử dụng (đối với ắc quy không nạp điện trực tiếp từ động cơ).
- Bổ sung dầu.
Đối với việc bảo dưỡng máy bơm chữa cháy được lắp đặt tại các vị trí khác thì sẽ được áp dụng theo quy định tại mục 4 Quy chuẩn quốc gia QCVN 02:2020/BCA Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Trạm bơm nước chữa cháy ban hành kèm theo Thông tư 52/2020/TT-BCA:
Theo đó việc kiểm tra bảo dưỡng được chia thành 2 hình thức sau:
- Kiểm tra, bảo dưỡng trạm bơm nước chữa cháy hàng tuần
- Kiểm tra, bảo dưỡng trạm bơm nước chữa cháy hàng năm
Sau quá trình kiểm tra bảo dưỡng thì kết quả đạt được phải bảo đảm các yêu cầu sau:
- Kết quả kiểm nghiệm và đánh giá phần bơm
Cụm bơm vẫn hoạt động tốt nếu thỏa mãn một trong các điều kiện sau đây trong khi kiểm nghiệm:
+ Kết quả khớp với đường đặc tuyến kiểm thử nghiệm thu thực tế ban đầu chưa điều chỉnh.
+ Bơm nước chữa cháy có kết quả về đặc tính hiệu suất khớp với thông số ghi trên nhãn tên của bơm.
Trường hợp bơm bị giảm hơn 5% áp lực so với đường đặc tuyến kiểm thử nghiệm thu ban đầu chưa điều chỉnh hoặc so với nhãn tên thì phải điều tra để tìm ra nguyên nhân giảm hiệu suất.
- Kết quả kiểm nghiệm và đánh giá phần động cơ
Thông số cường độ dòng điện và điện áp, nếu có tích không vượt quá tích của điện áp định mức và cường độ dòng toàn tải định mức nhân với hệ số dịch vụ động cơ cho phép, thì sẽ được xem là có thể chấp nhận.
+ Thông số điện áp của động cơ trong vòng 5% dưới hoặc 10% trên điện áp định mức (ghi trên nhãn tên) sẽ được xem là có thể chấp nhận.
- Bảo dưỡng trạm bơm nước chữa cháy
Phải xây dựng một kế hoạch bảo dưỡng định kỳ tất cả các thiết bị, thành phần của trạm bơm nước chữa cháy theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nếu nhà sản xuất không đưa ra bất kỳ hướng dẫn nào về công tác bảo dưỡng định kỳ, thì thực hiện theo Phụ lục B ban hành kèm theo Quy chuẩn này.
Đơn vị quản lý vận hành công trình phải lập hồ sơ, phiếu theo dõi công tác kiểm tra bảo dưỡng, vận hành định kỳ trạm bơm nước chữa cháy theo quy định.
Bảo quản bảo dưỡng máy bơm chữa cháy (Hình từ Internet)
Thực hiện bảo quản máy bơm chữa cháy trên phương tiện xe cơ giới như thế nào để đúng với quy định pháp luật?
Tại Điều 7 Thông tư 17/2021/TT-BCA có quy định về việc bảo quản máy bơm chữa cháy trên xe cơ giới như sau:
Bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên
1. Thực hiện hằng ngày hoặc trước, trong và sau mỗi lần sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và do người được giao quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện.
2. Nội dung bảo quản, bảo dưỡng cụ thể đối với phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện theo quy định tại các Phụ lục I, II, III, IV, V, VI, VII ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Kết thúc việc bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên, người được giao quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải ghi đầy đủ vào sổ theo dõi phương tiện theo Mẫu số 01, Mẫu số 02, Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này.
Như vậy, thực hiện bảo quản máy bơm chữa cháy hằng ngày hoặc trước, trong và sau mỗi lần sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và do người được giao quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện.
Bên cạnh đó, về nội dung bảo quản máy bơm trên xe cơ giới được nêu cụ thể tại tiểu mục 3 Mục I Phụ lục I kèm theo Thông tư 17/2021/TT-BCA như sau:
PHỤ LỤC I
BẢO QUẢN, BẢO DƯỠNG PHƯƠNG TIỆN CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ CƠ GIỚI
...
I. Bảo quản phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới hằng ngày
...
3. Máy bơm chữa cháy
a) Kiểm tra trực quan:
- Toàn bộ các mũ ốc, vít;
- Mức nhiên liệu, dầu bôi trơn bảo đảm đủ, sạch, không bị rò rỉ;
- Hệ thống dây dẫn điện, bình ắc quy;
- Tình trạng bộ phận dẫn động bơm gây chân không mồi nước;
- Ống hút nước không bị cong gập, thủng, có đủ gioăng, đệm, các đầu nối khi lắp vào nhẹ nhàng, kín;
b) Kiểm tra hoạt động:
- Tình trạng hoạt động của động cơ máy bơm (Khởi động động cơ bơm, cho khởi động động cơ ở tốc độ không tải tối đa từ 02 phút đến 03 phút);
- Tình trạng hoạt động của máy bơm chữa cháy tại nơi có nguồn nước, triển khai ống hút. Đóng kín van họng phun. Khởi động động cơ (sử dụng hệ thống khởi động bằng điện hoặc dây giật tự cuốn), khi máy nổ thì tăng dần ga, đồng thời thực hiện thao tác hút nước. Quan sát đồng hồ chân không và đồng hồ áp lực nước (nếu trong vòng 30 giây mà hút nước không lên thì phải tắt máy và kiểm tra, sửa chữa khôi phục độ kín của bơm mới được tiếp tục thao tác hút nước). Khi thấy nước chảy qua bơm gây chân không thành dòng liên tục đồng thời kim đồng hồ áp lực nước tăng lên từ 02 bar đến 03 bar thì ngắt bơm chân không, từ từ tăng ga và mở van họng phun nước. Trong quá trình vận hành bơm, luôn duy trì áp suất nước không thấp hơn 4 bar để bảo đảm làm mát cho bơm (đối với máy bơm làm mát bằng nước);
- Thời gian khởi động động cơ hàng ngày tối đa một lần trong 03 phút (nếu không phun, hút nước) hoặc 15 phút (nếu có hút, phun nước). Khi nhiệt độ môi trường trong ngày thấp hơn 10°C, việc khởi động động cơ được thực hiện 02 lần/ngày, kiểm tra tình trạng kỹ thuật và bảo dưỡng theo quy định của nhà sản xuất. Trong quá trình sử dụng không điều chỉnh cần điều khiển bộ điều tốc vì sẽ làm hư hỏng động cơ máy bơm. Đối với các máy bơm chữa cháy có lắp công tắc cảnh báo quá nhiệt động cơ, phải luôn để công tắc ở vị trí mở “ON”.
Trường hợp máy bơm chữa cháy bị hỏng thì bị xử phạt như thế nào?
Theo thông tin anh cung cấp thì đơn vị của anh có thể bị xử phạt hành chính theo khoản 2 Điều 44 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:
Vi phạm quy định về trang bị, bảo quản và sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy
...
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện phòng cháy và chữa cháy định kỳ;
...
đ) Làm mất, hỏng hoặc làm mất tác dụng phương tiện chữa cháy thông dụng, chất chữa cháy, thiết bị, dụng cụ thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy.
...
Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo đó, mức phạt ở khoản 2 Điều 44 Nghị định 144/2021/NĐ-CP là mức phạt áp dụng với cá nhân. Còn đối với tổ chức sẽ gấp 02 lần (tức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng).
Nếu bên anh không kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ dẫn đến tình trạng để một máy bơm trong hệ thống bị hư hoặc do bên anh làm hỏng sẽ bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.