Vi phạm điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật bị xử lý thế nào theo quy định mới nhất 2022?
Kiểm tra vệ sinh thú y khi nào?
Căn cứ Điều 68 Luật Thú y 2015 quy định chung về kiểm tra vệ sinh thú y như sau:
"Điều 68. Quy định chung về kiểm tra vệ sinh thú y
1. Kiểm tra vệ sinh thú y phải được thực hiện trong quá trình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển, giết mổ động vật trên cạn, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật.
2. Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thực hiện kiểm tra, giám sát yêu cầu vệ sinh thú y đối với các đối tượng có trong Danh mục đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y; phân tích nguy cơ, truy xuất nguồn gốc đối với động vật, sản phẩm động vật.
3. Nội dung kiểm tra vệ sinh thú y:
a) Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện yêu cầu vệ sinh thú y đối với các đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y;
b) Áp dụng các biện pháp kỹ thuật để phát hiện đối tượng kiểm tra vệ sinh thú y;
c) Kết luận và xử lý theo quy định của pháp luật."
Ta thấy, theo quy định trên, kiểm tra vệ sinh thú y phải được thực hiện trong quá trình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển, giết mổ động vật trên cạn, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Theo đó, nội dung kiểm tra thú y phải bao gồm việc kiểm tra, đánh giá việc thực hiện yêu cầu vệ sinh thú y đối với các đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y; việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để phát hiện đối tượng kiểm tra vệ sinh thú y; kết luận và xử lý theo quy định của pháp luật.
Kiểm tra vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật phải đáp ứng những yêu cầu nào?
Trong hoạt động giết mổ động vật trên cạn, yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật trên cạn được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 69 Luật Thú y 2015 như sau:
- Cơ sở giết mổ động vật tập trung:
+ Địa điểm phải theo quy hoạch của chính quyền địa phương;
+ Thiết kế các khu vực riêng biệt để ngăn ngừa ô nhiễm chéo;
+ Trang thiết bị, dụng cụ, nước cho việc giết mổ động vật phải bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y;
+ Có hệ thống xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
+ Người trực tiếp tham gia giết mổ động vật phải tuân thủ quy định về sức khỏe và thực hiện các quy trình vệ sinh trong quá trình giết mổ.
- Cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ:
+ Địa điểm phải tách biệt với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm;
+ Trang thiết bị, dụng cụ phù hợp để giết mổ, không gây độc hại, ô nhiễm cho sản phẩm động vật;
+ Có đủ nước bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y phục vụ cho việc giết mổ động vật;
+ Có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
+ Người trực tiếp tham gia giết mổ động vật phải tuân thủ quy định về sức khỏe và thực hiện các quy trình vệ sinh trong quá trình giết mổ.
Như vậy, đối với cơ sở giết mổ động vật trên cạn, khi tiến hành hoạt động giết mổ động vật phải tuân theo các yêu cầu mà pháp luật quy định, trong đó việc thực hiện những yêu cầu này đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung và cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ được quy định tương ứng phù hợp với từng loại cơ sở.
Vi phạm vệ sinh thú y bị xử lý như thế nào?
Vi phạm vệ sinh thú y đối với giết mổ động vật trên cạn bị xử lý như thế nào?
Việc xử lý vi phạm đối với những hành vi vi phạm quy định về vệ sinh thú y trong giết mổ động vật trên cạn được quy định như sau:
* Đối với cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ:
Theo Điều 21 Nghị định 90/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 12 Điều 3 Nghị định 07/2022/NĐ-CP) quy định về việc xử lý vi phạm về vệ sinh thú y đối với giết mổ động vật nhỏ lẻ như sau:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi người trực tiếp tham gia giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật không bảo đảm tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế và vệ sinh thú y trong quá trình thực hiện.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi trang thiết bị, dụng cụ, nước sử dụng không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y trong quá trình giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật.
* Đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung:
Theo Điều 22 Nghị định 90/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 13 Điều 3 Nghị định 07/2022/NĐ-CP) quy định về việc xử lý vi phạm về vệ sinh thú y đối với giết mổ động vật nhỏ lẻ như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi người trực tiếp tham gia giết mổ, sơ chế, chế biến không bảo đảm tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế và vệ sinh thú y trong quá trình thực hiện.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi trang thiết bị, dụng cụ, nước sử dụng không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y trong quá trình giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật.
Theo đó, các mức phạt tiền nêu trên, được xác định theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 07/2022/NĐ-CP như sau:
+ Mức phạt tiền đối với cơ sở giết mổ động vật là mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
+ Mức phạt tiền đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức thực hiện.
Như vậy, ta thấy kiểm tra vệ sinh thú y phải được thực hiện trong quá trình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển, giết mổ động vật trên cạn, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Theo đó, đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung và nhỏ lẻ phải đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y theo quy định. Trường hợp có hành vi vi phạm thì tổ chức, cá nhân bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.