Vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi gì? Vận chuyển trái phép bao nhiêu gam ma túy thì bị tử hình theo quy định?
Vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi như thế nào?
Căn cứ tại tiểu mục 3.2 Mục 3 Phần 2 Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP thì:
“Vận chuyển trái phép chất ma túy” là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào (có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện…; có thể để trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách v.v…) mà không nhằm mục đích mua bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma túy khác.
Lưu ý: Người giữ hộ, hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác, mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm.
Vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi như thế nào? (Hình từ Internet)
Vận chuyển trái phép bao nhiêu gam ma túy thì bị tử hình theo quy định của pháp luật hiện hành?
Theo quy định khoản 4 Điều 250 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về Tội vận chuyển trái phép chất ma túy:
Theo đó, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
- Vận chuyển trái phép nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
- Vận chuyển trái phép Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
- Vận chuyển trái phép lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
- Vận chuyển trái phép quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
- Vận chuyển trái phép quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
- Vận chuyển trái phép Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
- Vận chuyển trái phép Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
- Vận chuyển trái phép mà có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 4 Điều 250 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Như vậy, việc vận chuyển trái phép chất ma túy với khối lượng và thể tích như đã liệt kê ở trên thì có thể bị áp dụng khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Tội phạm được phân thành những loại nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về phân loại tội phạm
Phân loại tội phạm
1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:
a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Như vậy, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:
- Tội phạm ít nghiêm trọng
- Tội phạm nghiêm trọng
- Tội phạm rất nghiêm trọng
- Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 thì:
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc,
+ Xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức,
+ Xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.