Trường hợp nào cần thực hiện kiểm nghiệm thực phẩm? Cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm được miễn kiểm tra giám sát trong trường hợp nào?

Xin hỏi, trường hợp nào cần thực hiện kiểm nghiệm thực phẩm? Điều kiện hoạt động của cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm cần đáp ứng yêu cầu gì? Cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm được miễn kiểm tra giám sát trong trường hợp nào? - Câu hỏi của chị Yến Nhi (Vĩnh Phúc).

Trường hợp nào cần thực hiện kiểm nghiệm thực phẩm?

kiểm nghiệm thực phẩm

Kiểm nghiệm thực phẩm (Hình từ Internet)

Căn cứ theo khoản 7 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về hoạt động kiểm nghiệm thực phẩm như sau:

Kiểm nghiệm thực phẩm là việc thực hiện một hoặc các hoạt động thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn tương ứng đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bổ sung vào thực phẩm, bao gói, dụng cụ, vật liệu chứa đựng thực phẩm.

Theo Điều 45 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về yêu cầu đối với việc kiểm nghiệm thực phẩm như sau:

Yêu cầu đối với việc kiểm nghiệm thực phẩm
1. Kiểm nghiệm thực phẩm được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan;
b) Phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Việc kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước được thực hiện tại cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm do Bộ trưởng Bộ quản lý ngành chỉ định.
2. Việc kiểm nghiệm thực phẩm phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Khách quan, chính xác;
b) Tuân thủ các quy định về chuyên môn kỹ thuật.

Như vậy, hoạt động kiểm nghiệm thực phẩm được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

+ Theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan;

+ Phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Những điều kiện cần đáp ứng của cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm?

Theo Điều 46 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về yêu cầu đối với cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm như sau:

Cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm
1. Cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có bộ máy tổ chức và năng lực kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với cơ sở kiểm nghiệm;
b) Thiết lập và duy trì hệ thống quản lý phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế;
c) Đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thực hiện hoạt động chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.
2. Cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm được cung cấp dịch vụ kiểm nghiệm, thu phí kiểm nghiệm và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm nghiệm do mình thực hiện.
3. Bộ trưởng Bộ quản lý ngành quy định cụ thể điều kiện của cơ sở kiểm nghiệm quy định tại khoản 1 Điều này.

Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 46 Luật An toàn thực phẩm 2010 (được hướng dẫn bởi Điều 4, Điều 5 Thông tư liên tịch 20/2013/TTLT-BYT-BCT-BNNPTNT) quy định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm đáp ứng yêu cầu về pháp nhân và năng lực như sau:

(1) Yêu cầu về pháp nhân:

Được thành lập theo quy định của pháp luật; có chức năng kiểm nghiệm thực phẩm hoặc Quyết định giao nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền.

(2) Yêu cầu về năng lực:

Năng lực của cơ sở kiểm nghiệm đối với các chỉ tiêu đăng ký chỉ định phải đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025: 2017;

+ Có đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất phù hợp với yêu cầu kiểm nghiệm và lĩnh vực đăng ký chỉ định;

+ Có ít nhất hai (02) kiểm nghiệm viên là cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học phù hợp với lĩnh vực đăng ký chỉ định được đào tạo và có kinh nghiệm thực tế về kiểm nghiệm trong cùng lĩnh vực từ ba (03) năm trở lên;

+ Các phương pháp thử được cập nhật và xác nhận giá trị sử dụng, năng lực phân tích/kiểm nghiệm các chỉ tiêu/phép thử đăng ký chỉ định đáp ứng quy định hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và các yêu cầu khác có liên quan theo quy định của Bộ quản lý ngành;

+ Kết quả thử nghiệm thành thạo hoặc so sánh liên phòng đạt yêu cầu đối với ít nhất một chỉ tiêu/phép thử đăng ký chỉ định.

Như vậy, đối với cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm khi hoạt động phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện theo quy định của pháp luật.

Cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm được miễn kiểm tra giám sát trong trường hợp nào?

Căn cứ theo Điều 16 Thông tư liên tịch 20/2013/TTLT-BYT-BCT-BNNPTNT quy định cơ sở kiểm nghiệm được miễn kiểm tra giám sát trong trường hợp sau đây:

(1) Cơ sở kiểm nghiệm được miễn kiểm tra giám sát:

Đối với cơ sở kiểm nghiệm đã được tổ chức công nhận hợp pháp của Việt Nam hoặc tổ chức công nhận nước ngoài là thành viên tham gia ký thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau của Hiệp, hội Công nhận phòng thí nghiệm Quốc tế (ILAC - International Laboratory Accreditation Cooperation), Hiệp hội Công nhận phòng thí nghiệm Châu Á - Thái Bình Dương (APLAC - Asian Pacific Laboratory Accreditation Cooperation) đánh giá và cấp chứng chỉ công nhận theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025: 2017, đăng ký chỉ định các chỉ tiêu/phép thử trong phạm vi đã được công nhận: nộp các tài liệu nêu tại Điểm a, b, c và d Khoản 3 Điều này; bản sao (có chứng thực) chứng chỉ công nhận, danh mục, phạm vi công nhận.

(2) Cơ sở kiểm nghiệm đáp ứng yêu cầu nêu trên nộp một (01) bộ hồ sơ đề nghị miễn kiểm tra giám sát về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, bao gồm:

+ Công văn đề nghị miễn kiểm tra;

+ Biên bản giám sát của cơ quan công nhận hợp chuẩn Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025: 2017 (trong vòng mười hai (12) tháng kể từ ngày nộp hồ sơ);

+ Báo cáo kết quả hoạt động trong vòng mười hai (12) tháng kể từ ngày nộp hồ sơ, trong đó nêu rõ kết quả tự đánh giá năng lực phân tích của cơ sở kiểm nghiệm so với quy định có liên quan của Bộ quản lý ngành.

Lưu ý: Hằng năm, các cơ sở kiểm nghiệm được miễn kiểm tra vẫn phải chịu sự kiểm tra, giám sát đột xuất của cơ quan quản lý.

Như vậy, cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm được miễn kiểm tra giám sát trong trường hợp là cơ sở kiểm nghiệm đã được tổ chức công nhận hợp pháp của Việt Nam hoặc tổ chức công nhận nước ngoài là thành viên tham gia ký thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau của Hiệp, hội Công nhận phòng thí nghiệm Quốc tế, Hiệp hội Công nhận phòng thí nghiệm Châu Á - Thái Bình Dương đánh giá và cấp chứng chỉ công nhận theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025: 2017.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

1,024 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào