Trường hợp chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm như thế nào?
- Người lao động đã hưởng ít nhất mấy tháng trợ cấp thất nghiệp thì có thể chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp?
- Trường hợp chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm như thế nào?
- Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải trực tiếp thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm trong trường hợp nào?
Người lao động đã hưởng ít nhất mấy tháng trợ cấp thất nghiệp thì có thể chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 28/2015/NĐ-CP như sau:
Chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Người lao động đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định mà có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì phải làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định và gửi trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
...
Như vậy, người lao động đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định thì có thể chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu có nhu cầu.
Người lao động phải làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định và gửi trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trường hợp chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm như thế nào? (Hình từ Internet)
Trường hợp chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH thì khi người lao động chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm theo từng trường hợp cụ thể sau:
(1) Trường hợp ngày thông báo về việc tìm kiếm việc làm của người lao động nằm trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng trước ngày người lao động nộp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đến thì người lao động không phải trực tiếp thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm.
Người lao động thực hiện việc thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đến theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH (được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH).
(2) Trường hợp ngày thông báo về việc tìm kiếm việc làm của người lao động sau thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động thực hiện thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH.
(3) Trường hợp người lao động đã nhận hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chưa nộp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đến và không có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp nữa thì thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH với trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đi.
(4) Trường hợp ngày thông báo về việc tìm kiếm việc làm của người lao động nằm trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng sau ngày người lao động nộp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đến.
Người lao động phải trực tiếp thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH tại trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đến.
Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải trực tiếp thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm trong trường hợp nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH (được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH) về thông báo về việc tìm kiếm việc làm.
Theo đó, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải trực tiếp thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm nếu thời gian thông báo về việc tìm kiếm việc làm nằm trong khoảng thời gian mà người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:
(1) Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên;
(2) Ốm đau có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
(3) Nghỉ hưởng chế độ thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền. Riêng đối với trường hợp nam giới có vợ chết sau khi sinh con mà phải trực tiếp nuôi dưỡng con thì giấy tờ xác nhận là giấy khai sinh của con và giấy chứng tử của mẹ;
(4) Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;
(5) Bị hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
(6) Cha, mẹ, vợ/chồng, con của người lao động chết; người lao động hoặc con của người lao động kết hôn có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
(7) Đang tham gia khóa học nghề theo quyết định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và có xác nhận của cơ sở đào tạo nghề nghiệp;
(8) Thực hiện hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 03 tháng;
(9) Đi cai nghiện tự nguyện có xác nhận của cơ sở cai nghiện hoặc xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ;
(10) Chuyển nơi hưởng trợ cấp theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH.
Lưu ý:
- Người lao động phải thông tin cho trung tâm dịch vụ việc làm (thông qua điện thoại, thư điện tử, fax, ...) về lý do không phải trực tiếp đến thông báo trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của thời hạn thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm theo quy định.
- Đồng thời gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác nộp bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ nêu trên chứng minh thuộc trường hợp không phải thông báo trực tiếp đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ trường hợp số (1).
- Trường hợp gửi theo đường bưu điện thì ngày được coi là đã gửi thông báo là ngày gửi ghi trên dấu bưu điện.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.