Trưởng Công an xã khi được cử đi tập trung đào tạo huấn luyện thì được hưởng chế độ gì? Thời hạn xét thăng cấp bậc hàm đối với Trưởng Công an xã là bao lâu?
Trưởng Công an xã khi được cử đi tập trung đào tạo huấn luyện thì được hưởng chế độ gì?
Chế độ, chính sách đối với Trưởng Công an xã được quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định 73/2009/NĐ-CP như sau:
Chế độ, chính sách đối với Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên
...
3. Trưởng Công an xã có thời gian phục vụ liên tục từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên mỗi năm bằng 1% lương và phụ cấp hiện hưởng; có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên nếu nghỉ việc vì lý do chính đáng mà chưa đủ Điều kiện nghỉ hưu thì được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương và phụ cấp đóng bảo hiểm hiện hưởng.
Phụ cấp thâm niên được chi trả hàng tháng cùng kỳ lương và dùng để đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
4. Phó trưởng Công an xã và Công an viên có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên nếu nghỉ việc vì lý do chính đáng thì được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân phụ cấp hiện hưởng; khi được cử đi tập trung đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, pháp Luật, nghiệp vụ được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sỹ phục vụ có thời hạn cho Công an nhân dân; khi đi công tác được hưởng chế độ như đối với công chức cấp xã.
5. Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên khi làm nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu tại những nơi thuộc địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự được hưởng trợ cấp mỗi ngày bằng 0,05 lần của lương tối thiểu chung. Trường hợp làm nhiệm vụ cách xa nơi cư trú, không có Điều kiện đi, về hàng ngày thì được cơ quan đã ra quyết định huy động bố trí nơi nghỉ, hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu xe một lần đi, về.
...
Như vậy, theo quy định, Trưởng Công an xã khi được cử đi tập trung đào tạo huấn luyện thì được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sỹ phục vụ có thời hạn cho Công an nhân dân.
Trường hợp phải đi công tác thì Trưởng Công an xã được hưởng chế độ như đối với công chức cấp xã.
Trưởng Công an xã khi được cử đi tập trung đào tạo huấn luyện thì được hưởng chế độ gì? (Hình từ Internet)
Trưởng Công an xã có phải là sĩ quan Công an nhân dân không?
Chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân được quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Công an nhân dân 2018 như sau:
Chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân
1. Chức vụ cơ bản của sĩ quan Công an nhân dân bao gồm:
a) Bộ trưởng Bộ Công an;
b) Cục trưởng, Tư lệnh;
c) Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
d) Trưởng phòng; Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Trung đoàn trưởng;
đ) Đội trưởng; Trưởng Công an xã, phường, thị trấn; Tiểu đoàn trưởng;
e) Đại đội trưởng;
g) Trung đội trưởng;
h) Tiểu đội trưởng.
2. Chức vụ tương đương với chức vụ quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều này và chức vụ, chức danh còn lại trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
3. Chức danh nghiệp vụ và tiêu chuẩn các chức danh nghiệp vụ của sĩ quan Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an quy định theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định thì Trưởng Công an xã là một trong những chức vụ cơ bản của sĩ quan Công an nhân dân.
Thời hạn xét thăng cấp bậc hàm từ thiếu tá lên trung tá đối với Trưởng Công an xã là bao lâu?
Căn cứ khoản 3 Điều 22 Luật Công an nhân dân 2018 quy định như sau:
Đối tượng, điều kiện, thời hạn xét phong, thăng cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân
...
3. Thời hạn xét thăng cấp bậc hàm:
a) Hạ sĩ quan, sĩ quan nghiệp vụ:
Hạ sĩ lên Trung sĩ: 01 năm;
Trung sĩ lên Thượng sĩ: 01 năm;
Thượng sĩ lên Thiếu úy: 02 năm;
Thiếu úy lên Trung úy: 02 năm;
Trung úy lên Thượng úy: 03 năm;
Thượng úy lên Đại úy: 03 năm;
Đại úy lên Thiếu tá: 04 năm;
Thiếu tá lên Trung tá: 04 năm;
Trung tá lên Thượng tá: 04 năm;
Thượng tá lên Đại tá: 04 năm;
Đại tá lên Thiếu tướng: 04 năm;
...
Đồng thời, căn cứ khoản 1 Điều 25 Luật Công an nhân dân 2018 (được sửa đổi bởi điểm c khoản 3 Điều 1 Luật Công an nhân dân sửa đổi 2023) quy định:
Cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân
1. Cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân được quy định như sau:
...
e) Thượng tá: Trưởng phòng và tương đương; Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trung đoàn trưởng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này;
g) Trung tá: Đội trưởng và tương đương; Trưởng Công an xã, phường, thị trấn; Tiểu đoàn trưởng;
h) Thiếu tá: Đại đội trưởng;
i) Đại úy: Trung đội trưởng;
k) Thượng úy: Tiểu đội trưởng.
...
Theo quy định thì cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ Trưởng Công an xã là trung tá.
Do đó, nếu Trưởng Công an xã muốn thăng cấp bậc hàm từ thiếu tá lên trung tá thì cần có thời gian ít nhất là 04 năm trừ trường hợp đặc biệt do luật định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.