Trách nhiệm đóng góp vào Quỹ phòng, chống thiên tai của Doanh nghiệp hiện nay quy định ra sao? Có bắt buộc hay không?
Trách nhiệm đóng vào quỹ phòng chống, thiên tai và mức đóng là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 12 Nghị định 78/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
Nguồn tài chính
1. Mức đóng góp bắt buộc từ các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn một năm là 0,02% trên tổng giá trị tài sản hiện có theo báo cáo tài chính lập ngày 31 tháng 12 hàng năm của tổ chức báo cáo cơ quan Thuế nhưng tối thiểu 500 nghìn đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức.
2. Đóng góp, tài trợ, hỗ trợ tự nguyện của các tổ chức, doanh nghiệp cho Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
3. Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi đến tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo quy định của pháp luật về lao động đóng góp hàng năm như sau:
a) Cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang đóng một phần hai của mức lương cơ sở chia cho số ngày làm việc trong tháng.
b) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp đóng một phần hai của mức lương tối thiểu vùng chia cho số ngày làm việc trong tháng theo hợp đồng lao động. Người lao động giao kết nhiều hợp đồng với nhiều doanh nghiệp chỉ phải đóng 01 lần theo 01 hợp đồng lao động có thời gian dài nhất.
c) Người lao động khác, ngoài các đối tượng đã được quy định tại điểm a, b khoản này, đóng góp 10.000 đồng/người/năm.
4. Hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
5. Điều tiết từ Quỹ trung ương và giữa các Quỹ cấp tỉnh.
6. Thu lãi từ tài khoản tiền gửi.
7. Các nguồn hợp pháp khác (nếu có).
8. Tồn dư Quỹ cấp tỉnh cuối năm trước được chuyển sang năm sau.
Theo đó, các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn; công dân Việt Nam đủ 18 tuổi đến tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo như các quy định nêu trên là những đối tượng bắt buộc phải đóng vào quỹ phòng chống, thiên tai. Mức đóng cũng theo quy định trên.
Quỹ phòng chống, thiên tai
Quy định về chế độ thu, nộp quỹ phòng chống thiên tai hiện nay ra sao?
Căn cứ Điều 10 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 (được sửa đổi điểm a, b khoản 7 Điều 1 bởi Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020) quy định về quỹ phòng, chống thiên tai như sau:
- Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách bao gồm Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý.
- Nguồn tài chính của Quỹ phòng, chống thiên tai được quy định như sau
+ Nguồn tài chính của Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương bao gồm hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; điều tiết từ Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các nguồn hợp pháp khác;
+ Nguồn tài chính của Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh bao gồm hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo quy định của pháp luật về lao động; điều tiết từ Quỹ phòng chống, thiên tai trung ương, giữa các Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh và các nguồn hợp pháp khác.”
- Quỹ phòng, chống thiên tai được sử dụng để hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai và ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động sau đây:
+ Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai;
+ Hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học;
+ Xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai.
- Nguyên tắc hoạt động của Quỹ phòng, chống thiên tai được quy định như sau:
+ Không vì mục đích lợi nhuận;
+ Quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch;
+ Hỗ trợ cho các hoạt động phòng, chống thiên tai mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu.”
- Chính phủ quy định cụ thể việc thành lập, mức đóng góp, đối tượng được miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán Quỹ phòng, chống thiên tai.
Theo đó, Quỹ được thành lập ở cấp tỉnh, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý. Các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập và Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động có trách nhiệm đóng vào quỹ này
Nguồn đóng góp tự nguyện cho phòng, chống thiên tai ra sao?
Căn cứ Điều 11 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 quy định về nguồn đóng góp tự nguyện cho phòng, chống thiên tai như sau:
- Đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân cho công tác phòng, chống thiên tai dưới các hình thức: đóng góp vào quỹ xã hội, quỹ từ thiện; tham gia quyên góp theo quy định của pháp luật và hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại do thiên tai.
- Việc phân bổ, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về quỹ xã hội, quỹ từ thiện và có sự thống nhất của chính quyền địa phương nơi có đối tượng được hỗ trợ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.