Tính toán bảo hiểm là gì? Yêu cầu đối với cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm?
Tính toán bảo hiểm là gì?
Theo khoản 10 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định như sau:
Tính toán bảo hiểm là hoạt động thu thập, phân tích số liệu thống kê, tính phí bảo hiểm, dự phòng nghiệp vụ, vốn, khả năng thanh toán, đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh, xác định giá trị doanh nghiệp để bảo đảm an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.
Như vậy, tính toán bảo hiểm được hiểu là hoạt động thu thập, phân tích số liệu thống kê, tính phí bảo hiểm, dự phòng nghiệp vụ, vốn, khả năng thanh toán, đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh, xác định giá trị doanh nghiệp để bảo đảm an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.
Tính toán bảo hiểm có thuộc dịch vụ phụ trợ bảo hiểm không?
Theo khoản 7 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định như sau:
7. Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm bao gồm tư vấn, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm. Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm không bao gồm việc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô tự thực hiện để triển khai hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm của chính tổ chức đó.
Theo quy định nêu trên thì tính toán bảo hiểm có thuộc dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Tính toán bảo hiểm là gì? Yêu cầu đối với cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm? (Hình từ Internet)
Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm trong tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng điều kiện gì?
Theo điểm d khoản 2 Điều 143 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định như sau:
Điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm
1. Cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Có bằng đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm. Trường hợp không có bằng đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm thì phải có bằng đại học trở lên về chuyên ngành khác và có chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm về tư vấn do các cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp trong nước hoặc ngoài nước cấp.
2. Tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có tư cách pháp nhân, được thành lập và hoạt động hợp pháp;
b) Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm trong tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có văn bằng, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm phù hợp với loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm do các cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp trong nước hoặc ngoài nước cấp;
c) Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động giám định tổn thất bảo hiểm trong tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b khoản này và các tiêu chuẩn của giám định viên theo quy định của pháp luật về thương mại;
d) Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm trong tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b khoản này và điều kiện, tiêu chuẩn đối với Chuyên gia tính toán.
3. Chính phủ quy định chi tiết các điểm b, c và d khoản 2 Điều này.
4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết các loại chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm, nội dung đào tạo, hồ sơ, trình tự, thủ tục thi, cấp, cấp đổi, thu hồi chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm.
Như vậy, cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm trong tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng điều kiện sau đây:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Có văn bằng, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm phù hợp với loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm do các cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp trong nước hoặc ngoài nước cấp;
- Đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn đối với Chuyên gia tính toán.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.