Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo được phép liên kết với nông dân để hình thành vùng nguyên liệu phục vụ hoạt động kinh doanh, xuất khẩu gạo không?
Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo được phép liên kết với nông dân để hình thành vùng nguyên liệu phục vụ hoạt động kinh doanh, xuất khẩu gạo không?
Tại Điều 16 Nghị định 107/2018/NĐ-CP có quy định cụ thể về hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ và xây dựng vùng nguyên liệu trong quá trình điều hành xuất khẩu gạo như sau:
"Điều 16. Liên kết sản xuất, tiêu thụ và xây dựng vùng nguyên liệu
1. Khuyến khích thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết với người sản xuất để xây dựng vùng nguyên liệu (sau đây gọi chung là vùng nguyên liệu) theo các phương thức sau:
a) Xây dựng vùng nguyên liệu thuộc quyền quản lý, sử dụng của thương nhân trên diện tích đất sản xuất lúa được Nhà nước giao, cho thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc thuê đất của các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân để sản xuất lúa theo quy định của pháp luật về đất đai;
b) Thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;
c) Ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo với hộ nông dân trồng lúa hoặc đại diện của nông dân theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và quy định của pháp luật;
d) Các hình thức khác theo quy định và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Thương nhân xây dựng vùng nguyên liệu theo quy định tại khoản 1 Điều này được xem xét ưu tiên trong các chính sách hỗ trợ cụ thể như sau:
a) Tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu của sản phẩm và doanh nghiệp ở trong nước và ngoài nước;
b) Phân bổ chỉ tiêu thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung;
c) Tham gia chương trình mua thóc, gạo tạm trữ của Nhà nước.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, ban hành hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu."
Như vậy, trong khuôn khổ quy định của pháp luật, Nhà nước khuyến khích thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tự mình xây dựng các vùng nguyên liệu hoặc liên kết với người sản xuất để thực hiện thông qua nhiều phương thức như:
- Xây dựng vùng nguyên liệu thuộc quyền quản lý, sử dụng của thương nhân trên diện tích đất sản xuất lúa được Nhà nước giao, cho thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc thuê đất của các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân để sản xuất lúa theo quy định của pháp luật về đất đai
- Thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn
- Ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo với hộ nông dân trồng lúa hoặc đại diện của nông dân theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và quy định của pháp luật
- Một số hình thức cụ thể khác tùy theo sự điều chỉnh và ra quyết định của cơ quan nhà nước
Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo liên kết với nông dân để hình thành vùng nguyên liệu phục vụ hoạt động kinh doanh, xuất khẩu gạo
Gạo xuất khẩu cần đáp ứng tiêu chuẩn cụ thể nào?
Căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định 107/2018/NĐ-CP cụ thể như sau:
"Điều 17. Đảm bảo chất lượng thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu
1. Gạo xuất khẩu phải bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và đáp ứng yêu cầu về chất lượng, bao bì, ghi nhãn, đóng gói, bảo quản, truy xuất nguồn gốc theo quy định của nước nhập khẩu; trừ trường hợp nhà nhập khẩu có yêu cầu khác thì thực hiện theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.
2. Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và thương nhân xuất khẩu các mặt hàng gạo theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này có trách nhiệm thực hiện quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất, chế biến, bảo quản thóc, gạo hàng hóa do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành."
Theo đó, để đảm bảo gạo xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nhập khẩu gạo tương ứng và đáp ứng yêu cầu về chất lượng, bao bì, ghi nhãn, đóng gói, bảo quản, truy xuất nguồn gốc theo quy định của nước nhập khẩu, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cần tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện liên quan để có thể đảm bảo chất lượng gạo xuất khẩu một cách tốt nhất.
Hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo được Nhà nước quan tâm phát triển như thế nào?
Căn cứ Điều 18, Điều 20 và Điều 21 Nghị định 107/2018/NĐ-CP, hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, điều hành và phát triển thông qua một số quy định sau:
(1) Phát triển thị trường xuất khẩu gạo
- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan liên quan đàm phán mở cửa thị trường gạo, tháo gỡ khó khăn, rào cản của các thị trường; chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thông tin thị trường, thực hiện các chương trình, hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại gạo, thiết lập, củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác về thương mại gạo với các quốc gia, vùng lãnh thổ.
- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan đàm phán, ký kết bản ghi nhớ, thỏa thuận về thương mại gạo với các quốc gia, vùng lãnh thổ nước ngoài ở cấp bộ. Trường hợp quốc gia, vùng lãnh thổ nước ngoài yêu cầu ký ở cấp Chính phủ hoặc doanh nghiệp, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và cơ quan liên quan theo dõi, đàm phán, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, kiểm dịch thực vật của các quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng đối với thóc, gạo nhập khẩu; đàm phán, ký kết các hiệp định về kiểm dịch thực vật, quy định kỹ thuật về chất lượng thóc, gạo với các quốc gia, vùng lãnh thổ nước ngoài.
- Bộ Tài chính bố trí kinh phí hàng năm cho việc triển khai thực hiện các chương trình, hoạt động quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này.
(2) Thống kê, khai thác thông tin, dữ liệu và chế độ báo cáo số liệu thống kê hợp đồng xuất khẩu và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo
- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan thống nhất nội dung thông tin, dữ liệu thông báo hợp đồng xuất khẩu gạo và cơ chế hồi báo thông tin về tình hình thực hiện giao hàng theo hợp đồng đã thông báo để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.
- Tổng cục Hải quan có trách nhiệm thống kê, cập nhật gửi Bộ Công Thương theo định kỳ tháng, quý, năm hoặc đột xuất theo yêu cầu về tình hình xuất khẩu gạo theo các tiêu chí: Số lượng, trị giá, chủng loại thóc, gạo, thị trường, khách hàng nhập khẩu, thương nhân xuất khẩu; cửa khẩu xuất khẩu; số liệu về xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng.
(3) Bảo đảm các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo
Để đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, căn cứ tình hình thị trường và yêu cầu thực tế điều hành xuất khẩu gạo, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo, áp dụng giá sàn gạo xuất khẩu trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.