Thủ tục ủy thác tư pháp về dân sự ra nước ngoài được thực hiện thế nào? Chi phí thực hiện ủy thác tư pháp do ai chi trả?
Hồ sơ yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự ra nước ngoài gồm những tài liệu nào?
Căn cứ Điều 11 Luật Tương trợ tư pháp 2007 quy định về hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự như sau:
Hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự
1. Hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự phải có các văn bản sau đây:
a) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự;
b) Văn bản ủy thác tư pháp về dân sự quy định tại Điều 12 của Luật này;
c) Giấy tờ khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước được ủy thác.
2. Hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự được lập thành ba bộ theo quy định của Luật này và phù hợp với pháp luật của nước được ủy thác. Ngôn ngữ được sử dụng để lập hồ sơ theo quy định tại Điều 5 của Luật này.
Theo quy định trên, hồ sơ yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự ra nước ngoài gồm những tài liệu sau:
+ Văn bản của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự.
+ Văn bản ủy thác tư pháp về dân sự theo quy định.
+ Giấy tờ khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước được ủy thác.
Ủy thác tư pháp về dân sự (Hình từ Internet)
Thủ tục ủy thác tư pháp về dân sự ra nước ngoài được thực hiện thế nào?
Theo quy định tại Điều 14 Luật Tương trợ tư pháp 2007 về thủ tục yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự như sau:
Thủ tục yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự
1. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự phải lập hồ sơ ủy thác theo quy định tại Điều 11 của Luật này và gửi cho Bộ Tư pháp.
2. Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự, Bộ Tư pháp vào sổ ủy thác tư pháp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài là thành viên hoặc thông qua kênh ngoại giao. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì Bộ Tư pháp trả lại cho cơ quan đã lập hồ sơ và nêu rõ lý do.
3. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, Bộ Tư pháp chuyển văn bản đó cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã gửi hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự.
Theo đó, thủ tục ủy thác tư pháp về dân sự ra nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Điều 14 nêu trên.
Chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự ra nước ngoài do ai chi trả?
Theo Điều 16 Luật Tương trợ tư pháp 2007 quy định về chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự như sau:
Chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự
1. Chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài do nước yêu cầu chi trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Cá nhân, tổ chức Việt Nam yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết vụ việc dân sự làm phát sinh yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài thì phải trả chi phí theo quy định của Việt Nam và của nước được yêu cầu. Trong thời hạn mười ngày làm việc, trước ngày quyết định lập hồ sơ ủy thác tư pháp, cơ quan lập hồ sơ phải thông báo cho cá nhân, tổ chức về chi phí thực hiện ủy thác tư pháp. Hồ sơ ủy thác tư pháp chỉ được lập và gửi ra nước ngoài sau khi cá nhân, tổ chức đã nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định.
Công dân Việt Nam thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý thì có thể được xem xét hỗ trợ chi phí thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự ra nước ngoài do phía Việt Nam chi trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Cá nhân, tổ chức Việt Nam yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết vụ việc dân sự làm phát sinh yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài thì phải trả chi phí theo quy định của Việt Nam và của nước được yêu cầu.
Nếu công dân Việt Nam thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý thì có thể được xem xét hỗ trợ chi phí thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định của Chính phủ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.