Thủ tục chấp thuận người được đề cử làm Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện như thế nào?
Thủ tục chấp thuận người được đề cử làm Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện như thế nào?
Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam (Hình từ Internet)
Theo Điều 5 Nghị định 26/2022/NĐ-CP quy định thủ tục chấp thuận người được đề cử làm Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1. Sau khi nhận được chấp thuận của Bộ Ngoại giao về việc lập Cơ quan lãnh sự danh dự tại Việt Nam, Nước cử gửi công hàm đến Bộ Ngoại giao đề nghị chấp thuận ứng cử viên Lãnh sự danh dự kèm theo 01 bộ hồ sơ của Lãnh sự danh dự theo quy định tại Điều 7 Nghị định 26/2022/NĐ-CP, dự kiến nơi đặt trụ sở Cơ quan lãnh sự danh dự và các chức năng lãnh sự mà Nước cử ủy nhiệm.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ Ngoại giao có thể yêu cầu Nước cử bổ sung các thông tin liên quan khác.
Bước 2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được công hàm và đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Ngoại giao sẽ trao đổi với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan về việc chấp thuận Lãnh sự danh dự để đảm bảo các yêu cầu về đối ngoại, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục.
Ý kiến của các cơ quan gửi về Bộ Ngoại giao trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Ngoại giao.
Trong thời hạn 30 ngày sau khi nhận được ý kiến bằng văn bản của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan có liên quan, Bộ Ngoại giao sẽ quyết định chấp thuận hay không chấp thuận người được đề cử làm Lãnh sự danh dự.
Bước 3. Sau khi thông qua ứng cử viên Lãnh sự danh dự, Bộ Ngoại giao thông báo bằng văn bản cho Nước cử và yêu cầu Nước cử nộp bản sao Giấy ủy nhiệm Lãnh sự danh dự để Bộ Ngoại giao cấp Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự. Hai bên trao đổi thống nhất về thời điểm tiếp nhận Giấy ủy nhiệm lãnh sự và trao Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự.
Bước 4. Sau khi tiếp nhận Giấy ủy nhiệm Lãnh sự danh dự và trong thời hạn 05 ngày sau khi trao Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự, Bộ Ngoại giao thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam thông tin về Lãnh sự danh dự của Nước cử mới được chấp thuận tại Việt Nam bao gồm thông tin về cá nhân Lãnh sự danh dự, khu vực lãnh sự, chức năng lãnh sự và thời hạn nhiệm kỳ.
Bước 5. Nước cử có thể gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao trao đổi ý kiến về việc lập Cơ quan lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam đồng thời với việc đề nghị chấp thuận ứng cử viên Lãnh sự danh dự kèm theo hồ sơ lý lịch của Lãnh sự danh dự.
Trong trường hợp này, hồ sơ gửi kèm phải phù hợp với các quy định khoản 1 Điều 4 và khoản 1 Điều 5 của Nghị định này.
Bước 6. Trường hợp Nước cử đã được chấp thuận thành lập Cơ quan lãnh sự danh dự tại Việt Nam và ủy nhiệm một người mới làm Lãnh sự danh dự thì không phải trao đổi lại ý kiến với Bộ Ngoại giao theo quy định tại Điều 4 Nghị định 26/2022/NĐ-CP.
Hồ sơ đề nghị chấp thuận ứng cử viên Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam gồm những giấy tờ gì?
Theo Điều 7 Nghị định 26/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Hồ sơ đề nghị chấp thuận Lãnh sự danh dự
1. Công hàm của Nước cử gửi Bộ Ngoại giao trong đó nêu cụ thể việc đề cử một cá nhân làm Lãnh sự danh dự, dự kiến đặt trụ sở Cơ quan lãnh sự danh dự và khu vực lãnh sự, chức năng lãnh sự và nhiệm kỳ của Lãnh sự danh dự.
2. Sơ yếu lý lịch có ảnh.
3. Bản sao hộ chiếu.
4. Lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp trong thời hạn không quá 12 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ xin chấp thuận.
Theo đó, hồ sơ đề nghị chấp thuận ứng cử viên Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam gồm những giấy tờ sau:
- Công hàm của Nước cử gửi Bộ Ngoại giao trong đó nêu cụ thể việc đề cử một cá nhân làm Lãnh sự danh dự, dự kiến đặt trụ sở Cơ quan lãnh sự danh dự và khu vực lãnh sự, chức năng lãnh sự và nhiệm kỳ của Lãnh sự danh dự.
- Sơ yếu lý lịch có ảnh.
- Bản sao hộ chiếu.
- Lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp trong thời hạn không quá 12 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ xin chấp thuận.
Khu vực lãnh sự của Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam được xác định như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 26/2022/NĐ-CP quy định khu vực lãnh sự của Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam do Nước cử đề xuất và phải được Bộ Ngoại giao chấp thuận sau khi trao đối với các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Khu vực lãnh sự được xác định bởi phạm vi đơn vị hành chính theo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam mà Lãnh sự danh dự được thực hiện chức năng lãnh sự của mình.
Sau khi xin ý kiến Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan có thẩm quyền, Bộ Ngoại giao quyết định chấp thuận khu vực lãnh sự trên cơ sở các quy định của pháp luật quốc tế, mức độ quan hệ lãnh sự trong khu vực, nguyên tắc có đi có lại, tính chất quan hệ và đảm bảo các yêu cầu về đối ngoại, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục và thông báo đến Nước cử.
Việc xin ý kiến về khu vực lãnh sự được thực hiện đồng thời với trao đổi ý kiến về việc thành lập Cơ quan Lãnh sự danh dự nêu tại Điều 4 Nghị định này.
Đối với các khu vực lãnh sự có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, hoặc đối với các khu vực mà các cơ quan có ý kiến khác nhau, Bộ Ngoại giao sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Lưu ý:
- Trong trường hợp cần thiết, Lãnh sự danh dự có thể thực hiện chức năng lãnh sự của mình ở ngoài khu vực lãnh sự nếu được sự đồng ý, chấp thuận trước bằng văn bản của Bộ Ngoại giao.
- Trong trường hợp Nước cử có Công hàm đề nghị, Bộ Ngoại giao có thể xem xét quyết định việc thực hiện chức năng lãnh sự ở ngoài khu vực lãnh sự; quyết định thay đổi khu vực lãnh sự của Cơ quan lãnh sự danh dự.
Việc quyết định cho phép thực hiện chức năng ngoài khu vực lãnh sự, quyết định thay đổi khu vực lãnh sự căn cứ vào các yếu tố quan hệ đối ngoại, kinh tế, nguyên tắc đối đẳng và nhu cầu thực hiện chức năng lãnh sự của Nước cử tại khu vực đó và theo thủ tục quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này và Điều 4 Nghị định này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.