Thư ký Tòa án để được tính phụ cấp thâm niên nghề thì phải có thời gian làm việc từ bao nhiêu năm trở lên?
Thư ký Tòa án có được tính phụ cấp thâm niên nghề hay không?
Căn cứ Điều 1 Thông tư liên tịch 04/2009/TTLT-BNV-BTC quy định về đối tượng áp dụng phụ cấp thâm niên nghề như sau:
Đối tượng áp dụng
Chế độ phụ cấp thâm niên nghề quy định tại Thông tư này áp dụng đối với cán bộ, công chức trong biên chế xếp lương theo các ngạch hoặc các chức danh chuyên ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm, bao gồm:
1. Chánh án và Phó chánh án Tòa án nhân dân các cấp; Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp; Thư ký Tòa án và Thẩm tra viên ngành Tòa án (Thẩm tra viên cao cấp, Thẩm tra viên chính và Thẩm tra viên);
2. Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Điều tra viên các cấp và Kiểm tra viên ngành Kiểm sát (Kiểm tra viên cao cấp, Kiểm tra viên chính và Kiểm tra viên).
3. Tổng kiểm toán nhà nước, Phó tổng kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước (Kiểm toán viên cao cấp, Kiểm toán viên chính, Kiểm toán viên, Kiểm toán viên dự bị);
4. Tổng thanh tra và Phó Tổng thanh tra, Chánh Thanh tra và Phó Chánh Thanh tra các cơ quan Thanh tra nhà nước, Thanh tra viên (Thanh tra viên cao cấp, Thanh tra viên chính, Thanh tra viên);
5. Thủ trưởng và Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự các cấp, Chấp hành viên thi hành án dân sự các cấp, Thẩm tra viên thi hành án dân sự (Thẩm tra viên cao cấp, Thẩm tra viên chính và Thẩm tra viên thi hành án dân sự) và Thư ký thi hành án dân sự;
6. Cục trưởng và Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm, Chi cục trưởng và Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Hạt trưởng và Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Kiểm lâm viên (Kiểm lâm viên chính, Kiểm lâm viên, Kiểm lâm viên cao đẳng, Kiểm lâm viên trung cấp và Kiểm lâm viên sơ cấp).
Theo đó, Thư ký Tòa án thuộc đối tượng được xét hưởng phụ cấp thâm niên nghề.
Thư ký Tòa án để được tính phụ cấp thâm niên nghề thì phải có thời gian làm việc từ bao nhiêu năm?
Căn cứ Điều 2 Thông tư liên tịch 04/2009/TTLT-BNV-BTC quy định về cách tính phụ cấp thâm niên nghề như sau:
Mức phụ cấp
1. Mức % phụ cấp thâm niên nghề được tính như sau:
Cán bộ, công chức quy định tại Điều 1 Thông tư này có thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên nghề bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
2. Mức tiền phụ cấp thâm niên nghề hàng tháng được tính theo công thức sau:
Mức tiền phụ cấp thâm niên nghề = Hệ số lương chức vụ hoặc hệ số lương chuyên môn, nghiệp vụ cộng với hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo và % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng x Mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định từng thời kỳ x Mức % phụ cấp thâm niên nghề được hưởng
Như vậy, Thư ký Tòa án phải có thời gian làm việc đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên nghề bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
Thư ký Tòa án để được tính phụ cấp thâm niên nghề thi phải có thời gian làm việc từ bao nhiêu năm? (Hình từ Internet)
Những khoảng thời gian nào được tính vào thời gian hưởng phụ cấp thâm niên nghề đối với Thư ký Tòa án?
Căn cứ Điều 3 Thông tư liên tịch 04/2009/TTLT-BNV-BTC thì thời gian được tính vào thời gian hưởng phụ cấp thâm niên nghề gồm:
- Thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra Đảng (nếu có thời gian gián đoạn mà thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề chưa hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn);
- Thời gian làm việc được hưởng phụ cấp thâm niên nghề trong quân đội, công an và cơ yếu (nếu có);
- Thời gian đi nghĩa vụ quân sự theo luật định của các đối tượng quy định tại Điều 1 Thông tư này mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được hưởng phụ cấp thâm niên nghề.
Ví dụ:
Ông Nguyễn Văn A được tuyển dụng vào làm việc tại Văn phòng Bộ C, khi hết thời gian tập sự được xếp lương vào ngạch chuyên viên từ ngày 01 tháng 10 năm 1985.
Từ ngày 01 tháng 7 năm 1993 được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại Thanh tra Bộ C, đồng thời được xếp lương vào ngạch Thanh tra viên (mã số 04.025).
Từ ngày 01 tháng 5 năm 2000 ông A được điều động sang công tác tại Vụ B thuộc Bộ C và được chuyển sang ngạch chuyên viên (mã số 01.003). Từ ngày 01 tháng 5 năm 2003 ông A được thuyên chuyển công tác đến làm việc tại Kiểm toán nhà nước và được xếp lương vào ngạch Kiểm toán viên (mã số 06.043) cho đến nay.
Tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2009, thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề của ông A là 12 năm 6 tháng, gồm tổng các thời gian sau:
- Thời gian xếp lương ở ngạch Thanh tra viên (mã số 04.025) từ ngày 01 tháng 7 năm 1993 cho đến ngày 30 tháng 4 năm 2000 là 6 năm 10 tháng;
- Thời gian xếp lương ở ngạch Kiểm toán viên (mã số 06.043) từ ngày 01 tháng 5 năm 2003 cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008 là 5 năm 8 tháng.
Như vậy, từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 ông A được tính hưởng 12% phụ cấp thâm niên nghề. Ông A hiện giữ chức Phó trưởng phòng đang xếp bậc 8 hệ số lương 4,65 ngạch Kiểm toán viên (mã số 06.043) và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo hệ số 0,40. Mức tiền phụ cấp thâm niên nghề của ông A được tính như sau:
Mức tiền phụ cấp thâm niên nghề từ tháng 01 đến tháng 4 năm 2009 (mức lương tối thiểu chung 540.000 đồng/tháng) là: (4,65 + 0,40) x 540.000 x 12% = 327.240 đồng/tháng.
Mức tiền phụ cấp thâm niên nghề từ tháng 5 năm 2009 (mức lương tối thiểu chung 650.000 đồng/tháng) là (4,65 + 0,40) x 650.000 x 12% = 393.900 đồng/tháng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.