Thành phần của Hội đồng Luật sư toàn quốc của Liên đoàn Luật sư Việt Nam được quy định thế nào? Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc phải đáp ứng những tiêu chuẩn nào?
Thành phần của Hội đồng Luật sư toàn quốc của Liên đoàn Luật sư Việt Nam được quy định thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 7 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam kèm theo Quyết định 856/QĐ-TTg năm 2022 quy định về Hội đồng Luật sư toàn quốc như sau:
Hội đồng Luật sư toàn quốc
1. Hội đồng Luật sư toàn quốc có nhiệm kỳ 05 năm theo nhiệm kỳ của Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc. Nhiệm kỳ của Hội đồng Luật sư toàn quốc kết thúc tại thời điểm Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc bầu ra Hội đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ mới.
Thành phần Hội đồng Luật sư toàn quốc gồm:
a) Ủy viên đương nhiên là Chủ nhiệm đương nhiệm của các Đoàn Luật sư;
b) Ủy viên do Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc bầu. Số lượng Ủy viên do Đại hội bầu không quá 1/2 số lượng Ủy viên đương nhiên của Hội đồng Luật sư toàn quốc.
...
Theo quy định trên, thành phần của Hội đồng Luật sư toàn quốc của Liên đoàn Luật sư Việt Nam gồm:
+ Ủy viên đương nhiên là Chủ nhiệm đương nhiệm của các Đoàn Luật sư.
+ Ủy viên do Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc bầu.
Trong đó, số lượng Ủy viên do Đại hội bầu không quá 1/2 số lượng Ủy viên đương nhiên của Hội đồng Luật sư toàn quốc.
Hội đồng Luật sư toàn quốc (Hình từ Internet)
Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc phải đáp ứng những tiêu chuẩn nào?
Căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 7 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam kèm theo Quyết định 856/QĐ-TTg năm 2022 quy định về Hội đồng Luật sư toàn quốc như sau:
Hội đồng Luật sư toàn quốc
...
2. Luật sư có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì có thể được bầu làm Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc:
a) Trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu chấp hành quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam;
c) Có trình độ chuyên môn, năng lực xử lý công việc, đưa ra quyết định; có uy tín và tinh thần trách nhiệm, khả năng đóng góp vào những quyết định của Hội đồng;
d) Có điều kiện về thời gian và sức khỏe để tham gia hoạt động của Hội đồng và các Ủy ban của Liên đoàn khi được phân công.
3. Luật sư thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được ứng cử, nhận đề cử để bầu làm Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc:
a) Đã bị Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam hoặc tổ chức đoàn thể mà luật sư đó tham gia xử lý kỷ luật trong nhiệm kỳ;
b) Đang bị Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam xem xét xử lý kỷ luật;
c) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
...
Theo đó, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc phải đáp ứng những tiêu chuẩn được quy định tại khoản 2 Điều 7 nêu trên.
Và luật sư thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 7 trên thì không được ứng cử, nhận đề cử để bầu làm Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc.
Khung phí gia nhập Đoàn Luật sư toàn quốc của Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ do chủ thể nào quy định?
Căn cứ khoản 5 Điều 7 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam kèm theo Quyết định 856/QĐ-TTg năm 2022 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Luật sư toàn quốc như sau:
Hội đồng Luật sư toàn quốc
...
5. Hội đồng Luật sư toàn quốc có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a) Ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam;
b) Quyết định những chủ trương, biện pháp nhằm thực hiện nghị quyết và các quyết định của Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc;
c) Thông qua báo cáo công tác, báo cáo tài chính và chương trình hoạt động hằng năm của Liên đoàn;
d) Hướng dẫn việc bầu đại biểu tham dự Đại hội, chuẩn bị các văn kiện, quy trình đề cử, ứng cử, lập danh sách ứng cử viên và các vấn đề chi tiết liên quan đến việc bầu cử Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ Liên đoàn, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; hướng dẫn bầu hoặc phê chuẩn Tổng Thư ký; giới thiệu luật sư vào danh sách ứng cử viên bầu vào Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ Liên đoàn, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ mới;
đ) Quyết định số lượng Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn, Phó Chủ tịch; bầu Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn, các Phó Chủ tịch; bầu hoặc phê chuẩn Tổng Thư ký của Liên đoàn; miễn nhiệm, bãi nhiệm Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc;
e) Quyết định việc triệu tập Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc;
g) Quy định khung phí tập sự hành nghề luật sư, khung phí gia nhập Đoàn Luật sư, mức phí thành viên;
...
Như vậy, khung phí gia nhập Đoàn Luật sư toàn quốc của Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ do Hội đồng Luật sư toàn quốc quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.