Tạm xuất tái nhập hàng hóa là máy móc để sửa chữa thì có phải nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không?
- Tạm xuất tái nhập hàng hóa là máy móc để sửa chữa thì có phải nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không?
- Điều kiện miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với trường hợp tạm xuất tái nhập hàng hóa là máy móc để sửa chữa được quy định thế nào?
- Số tiền thuế được miễn đối với trường hợp tạm xuất tái nhập hàng hóa là máy móc để sửa chữa do ai xác định?
Tạm xuất tái nhập hàng hóa là máy móc để sửa chữa thì có phải nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không?
Căn cứ điểm c khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 quy định như sau:
Miễn thuế
...
9. Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định, bao gồm:
a) Hàng hóa tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để tổ chức hoặc tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, sự kiện thể thao, văn hóa, nghệ thuật hoặc các sự kiện khác; máy móc, thiết bị tạm nhập, tái xuất để thử nghiệm, nghiên cứu phát triển sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định hoặc phục vụ gia công cho thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất;
b) Máy móc, thiết bị, linh kiện, phụ tùng tạm nhập để thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài hoặc tạm xuất để thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay Việt Nam ở nước ngoài; hàng hóa tạm nhập, tái xuất để cung ứng cho tàu biển, tàu bay nước ngoài neo đậu tại cảng Việt Nam;
c) Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế;
d) Phương tiện quay vòng theo phương thức tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
...
Theo đó, hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế thuộc đối tượng miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Vì vậy, đối với trường hợp tạm xuất tái nhập hàng hóa là máy móc để sửa chữa thì không phải nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Tạm xuất tái nhập hàng hóa là máy móc để sửa chữa thì có phải nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không? (Hình từ Internet)
Điều kiện miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với trường hợp tạm xuất tái nhập hàng hóa là máy móc để sửa chữa được quy định thế nào?
Điều kiện miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với trường hợp tạm xuất tái nhập hàng hóa là máy móc để sửa chữa được quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 134/2016/NĐ-CP như sau:
Miễn thuế đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định
1. Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định được miễn thuế theo quy định tại khoản 9 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
2. Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế quy định tại điểm c khoản 9 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải đảm bảo không làm thay đổi hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hóa tạm nhập, tạm xuất và không tạo ra hàng hóa khác.
Trường hợp thay thế hàng hóa theo điều kiện bảo hành của hợp đồng mua bán thì hàng hóa thay thế phải đảm bảo về hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hóa được thay thế.
3. Phương tiện quay vòng theo phương thức tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, bao gồm:
a) Container rỗng có hoặc không có móc treo;
b) Bồn mềm lót trong Container để chứa hàng lỏng;
c) Các phương tiện khác có thể sử dụng nhiều lần để chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
...
Theo đó, để được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với trường hợp tạm xuất tái nhập hàng hóa là máy móc để sửa chữa thì phải đảm bảo không làm thay đổi hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hóa tạm nhập, tạm xuất và không tạo ra hàng hóa khác.
Trường hợp thay thế hàng hóa theo điều kiện bảo hành của hợp đồng mua bán thì hàng hóa thay thế phải đảm bảo về hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hóa được thay thế.
Số tiền thuế được miễn đối với trường hợp tạm xuất tái nhập hàng hóa là máy móc để sửa chữa do ai xác định?
Căn cứ khoản 4 Điều 13 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định như sau:
Miễn thuế đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định
...
4. Hồ sơ, thủ tục miễn thuế thực hiện theo quy định tại Điều 31 Nghị định này.
Đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, người nộp thuế phải nộp thêm thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc giấy nộp tiền đặt cọc vào tài khoản tiền gửi của cơ quan hải quan tại Kho bạc Nhà nước: 01 bản chính đối với trường hợp thư bảo lãnh chưa được cập nhật vào hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
Việc bảo lãnh hoặc đặt cọc tiền thuế nhập khẩu đối với hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.
Đồng thời, căn cứ điểm a khoản 3 Điều 31 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định:
Hồ sơ, thủ tục miễn thuế khi làm thủ tục hải quan
...
3. Thủ tục miễn thuế:
a) Người nộp thuế tự xác định, khai hàng hóa và số tiền thuế được miễn thuế (trừ việc kê khai số tiền thuế phải nộp đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để gia công do bên thuế gia công cung cấp) trên tờ khai hải quan khi làm thủ tục hải quan, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khai báo.
...
Từ những quy định trên thì việc xác định số tiền thuế được miễn đối với trường hợp tạm xuất tái nhập hàng hóa là máy móc để sửa chữa do người nộp thuế tự xác định trên tờ khai hải quan khi làm thủ tục hải quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khai báo.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.