Sở Giao dịch hàng hóa có quyền cho phép thành viên đã bị chấm dứt tư cách thành viên thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua đơn vị này không?
- Thương nhân không còn đáp ứng đủ các điều kiện trở thành thành viên Sở Giao dịch hàng hóa có bị chấm dứt tư cách thành viên không?
- Sở Giao dịch hàng hóa có quyền cho phép thành viên đã bị chấm dứt tư cách thành viên thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua đơn vị này không?
- Sở Giao dịch hàng hóa cho phép thành viên đã bị chấm dứt tư cách thành viên thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua đơn vị này bị phạt bao nhiêu?
Thương nhân không còn đáp ứng đủ các điều kiện trở thành thành viên Sở Giao dịch hàng hóa có bị chấm dứt tư cách thành viên không?
Căn cứ Điều 24 Nghị định 158/2006/NĐ-CP quy định như sau:
Chấm dứt tư cách thành viên
Thương nhân chấm dứt tư cách thành viên trong các trường hợp sau đây:
1. Không còn đáp ứng đủ các điều kiện trở thành thành viên.
2. Giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật.
3. Tự đề nghị chấm dứt tư cách thành viên và được Sở Giao dịch hàng hóa chấp thuận theo quy định của Điều lệ hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa.
4. Có hành vi vi phạm là điều kiện chấm dứt tư cách thành viên theo quy định của Điều lệ hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa hoặc quy định của pháp luật.
Chiếu theo quy định này, thương nhân không còn đáp ứng đủ các điều kiện trở thành thành viên là một trong những trường hợp dẫn đến việc chấm dứt tư cách thành viên Sở Giao dịch hàng hóa của thương nhân này.
Mua bán hàng hóa thông qua Sở Giao dịch hàng hóa (hình từ Internet)
Sở Giao dịch hàng hóa có quyền cho phép thành viên đã bị chấm dứt tư cách thành viên thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua đơn vị này không?
Căn cứ Điều 15 Nghị định 158/2006/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Nghị định 51/2018/NĐ-CP quy định như sau:
Quyền hạn của Sở Giao dịch hàng hóa
1. Lựa chọn loại hàng hoá trong danh mục hàng hoá được quy định tại Điều 32 Nghị định này để tổ chức giao dịch mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa.
2. Tổ chức, điều hành và quản lý hoạt động giao dịch mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa.
3. Chấp thuận, huỷ bỏ tư cách thành viên theo quy định của Điều lệ hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa.
4. Yêu cầu các thành viên kinh doanh ký quỹ đảm bảo tư cách thành viên, ký quỹ giao dịch theo quy định của Điều lệ hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa.
5. Thu phí thành viên, phí giao dịch, phí cung cấp dịch vụ thông tin và các loại phí dịch vụ khác theo Điều lệ hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa và theo quy định của pháp luật.
7. Kiểm tra, giám sát hoạt động giao dịch và công bố thông tin của các thành viên.
8. Yêu cầu các thành viên thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro được quy định trong Điều lệ hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa.
9. Chỉ định thành viên kinh doanh khác thực hiện các hợp đồng đang được nắm giữ bởi một thành viên kinh doanh bị chấm dứt tư cách thành viên theo quy định tại Điều 24 Nghị định này.
10. Làm trung gian hoà giải theo yêu cầu khi phát sinh tranh chấp liên quan đến hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa.
11. Thực hiện các quyền khác theo quy định của Nghị định này, Điều lệ hoạt động và theo quy định của pháp luật.
12. Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam có quyền liên thông với Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài theo quy định tại Nghị định này.
Theo đó, khi thương nhân chấm dứt tư cách thành viên, Sở Giao dịch hàng hóa phải chỉ định thành viên kinh doanh khác thực hiện các hợp đồng đang được nắm giữ bởi một thành viên kinh doanh bị chấm dứt tư cách thành viên mà không được để thành viên này tiếp tục thực hiện.
Sở Giao dịch hàng hóa cho phép thành viên đã bị chấm dứt tư cách thành viên thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua đơn vị này bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ khoản 8 Điều 77 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Hành vi vi phạm về mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa
...
8. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với sở giao dịch hàng hóa có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Sử dụng các giấy tờ giả mạo trong hồ sơ đề nghị thành lập, sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép thành lập sở giao dịch hàng hóa;
b) Chấp thuận tư cách thành viên cho thương nhân không đủ điều kiện theo quy định;
c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc ký quỹ giao dịch theo quy định;
d) Không thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và giám sát, ngăn ngừa những xung đột lợi ích trong nội bộ và trong giao dịch một cách cần thiết theo quy định;
đ) Cho phép thành viên đã bị chấm dứt tư cách thành viên tiếp tục thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa;
e) Tổ chức hoạt động giao dịch các loại hàng hóa không thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện mà không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước theo quy định;
g) Không thực hiện đúng quy định về tổng hạn mức giao dịch hoặc hạn mức giao dịch;
h) Không thực hiện đúng các phương thức giao dịch hoặc nguyên tắc khớp lệnh giao dịch hoặc công bố thông tin giao dịch theo quy định;
i) Tổ chức hoạt động giao dịch các loại hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.
...
Theo quy định trên, Sở Giao dịch hàng hóa cho phép thành viên đã bị chấm dứt tư cách thành viên thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua đơn vị này sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Bên cạnh đó còn phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (nếu có).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.