Sinh viên là người khuyết tật thì có được miễn học phí không? Trường đại học không miễn học phí cho sinh viên là người khuyết tật thì có bị phạt không?
- Sinh viên là người khuyết tật thì có được miễn học phí không?
- Trường đại học không thực hiện việc miễn học phí cho sinh viên là người khuyết tật thì có bị phạt không?
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với trường đại học không thực hiện việc miễn, giảm học phí cho sinh viên là người khuyết tật là bao lâu?
Sinh viên là người khuyết tật thì có được miễn học phí không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC quy định về chính sách về học phí như sau:
Chính sách về học phí
Người khuyết tật học tại các cơ sở giáo dục được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015 và Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ.
Theo đó, người khuyết tật học tại các cơ sở giáo dục được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP (đã bị thay thế bởi Nghị định 81/2021/NĐ-CP).
Cụ thể quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về đối tượng được miễn học phí như sau:
Đối tượng được miễn học phí
1. Các đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nếu đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
2. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên khuyết tật.
3. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng và người từ 16 tuổi đến 22 tuổi đang học phổ thông, giáo dục đại học văn bằng thứ nhất thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
...
Như vậy, sinh viên là người khuyết tật là một trong những đối tượng được miễn học phí theo quy định của pháp luật.
Sinh viên là người khuyết tật thì có được miễn học phí không? (Hình từ internet)
Trường đại học không thực hiện việc miễn học phí cho sinh viên là người khuyết tật thì có bị phạt không?
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 13 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi phạm quy định về trách nhiệm giáo dục đối với người khuyết tật của cơ sở giáo dục như sau:
Vi phạm quy định về trách nhiệm giáo dục đối với người khuyết tật của cơ sở giáo dục
...
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo và các khoản đóng góp khác theo quy định của pháp luật về giáo dục;
b) Không thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất dạy và học bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật khi tiến hành cải tạo, sửa chữa cơ sở giáo dục.
Và căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 130/2021/NĐ-CP về mức phạt tiền như sau:
Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt
1. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em là 50.000.000 đồng.
2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.
...
Theo đó, nếu trường đại học không thực hiện việc miễn học phí cho sinh viên là người khuyết tật thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với trường đại học không thực hiện việc miễn, giảm học phí cho sinh viên là người khuyết tật là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 như sau:
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
...
Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với trường đại học không thực hiện việc miễn, giảm học phí cho sinh viên là người khuyết tật là 01 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.