Sản phẩm động vật thủy sản là gì? Danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch, miễn kiểm dịch do ai quy định?
Sản phẩm động vật thủy sản là gì?
Sản phẩm động vật thủy sản được giải thích tại điểm b khoản 2 Điều 3 Luật Thú y 2015 như sau:
Sản phẩm động vật là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, bao gồm:
a) Sản phẩm động vật trên cạn là thịt, trứng, sữa, mật ong, sáp ong, sữa ong chúa, tinh dịch, phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, móng và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ động vật trên cạn;
b) Sản phẩm động vật thủy sản là động vật thủy sản đã qua sơ chế hoặc chế biến ở dạng nguyên con; phôi, trứng, tinh dịch và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ động vật thủy sản.
Như vậy, sản phẩm động vật thủy sản là động vật thủy sản đã qua sơ chế hoặc chế biến ở dạng nguyên con; phôi, trứng, tinh dịch và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ động vật thủy sản.
Sản phẩm động vật thủy sản là gì? (Hình từ Internet)
Danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch, miễn kiểm dịch do ai quy định?
Danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch, miễn kiểm dịch do ai quy định, thì theo khoản 3 Điều 53 Luật Thú y 2015 như sau:
Quy định chung về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản
1. Động vật, sản phẩm động vật thủy sản có trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch trước khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh phải được kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát đối với các trường hợp sau đây:
a) Động vật, sản phẩm động vật thủy sản xuất phát từ vùng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố dịch;
b) Động vật thủy sản sử dụng làm giống xuất phát từ cơ sở thu gom, kinh doanh;
c) Động vật thủy sản sử dụng làm giống xuất phát từ cơ sở nuôi trồng thủy sản chưa được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh hoặc chưa được giám sát dịch bệnh theo quy định;
d) Động vật, sản phẩm động vật không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b, và c khoản này khi có yêu cầu của chủ hàng.
2. Động vật, sản phẩm động vật thủy sản có trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch trước khi xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu, của chủ hàng và trước khi nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải được kiểm dịch.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành:
a) Danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch, miễn kiểm dịch;
b) Danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải phân tích nguy cơ trước khi nhập khẩu vào Việt Nam;
c) Danh mục đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản;
d) Quy định, cụ thể về nội dung, hồ sơ kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các danh mục trên trong đó có danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch, miễn kiểm dịch.
Hồ sơ đăng ký kiểm dịch nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật thủy sản tiêu thụ trong nước gồm những gì?
Hồ sơ đăng ký kiểm dịch nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật thủy sản tiêu thụ trong nước gồm những tài liệu được quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT như sau:
Hồ sơ đăng ký, khai báo kiểm dịch
...
2. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật thủy sản tiêu thụ trong nước;
a) Văn bản đề nghị hướng dẫn kiểm dịch theo Mẫu 02 TS Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản sao mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu của cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu có xác nhận của doanh nghiệp (đối với động vật, sản phẩm động vật thủy sản có nguồn gốc từ những quốc gia, vùng lãnh thổ chưa có thỏa thuận về mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch với Việt Nam);
c) Bản sao Giấy phép CITES có xác nhận của doanh nghiệp đối với động vật, sản phẩm động vật thủy sản có trong Danh Mục động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc quy định của Công ước CITES);
d) Bản chụp Giấy phép nhập khẩu do Tổng cục Thủy sản cấp, có xác nhận của doanh nghiệp (đối với động vật thủy sản không thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam theo quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản).
...
Như vậy, hồ sơ đăng ký kiểm dịch nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật thủy sản tiêu thụ trong nước gồm:
- Văn bản đề nghị hướng dẫn kiểm dịch theo Mẫu 02 TS Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này Tải về;
- Bản sao mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu của cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu có xác nhận của doanh nghiệp (đối với động vật, sản phẩm động vật thủy sản có nguồn gốc từ những quốc gia, vùng lãnh thổ chưa có thỏa thuận về mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch với Việt Nam);
- Bản sao Giấy phép CITES có xác nhận của doanh nghiệp đối với động vật, sản phẩm động vật thủy sản có trong Danh Mục động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc quy định của Công ước CITES);
- Bản chụp Giấy phép nhập khẩu do Tổng cục Thủy sản cấp, có xác nhận của doanh nghiệp (đối với động vật thủy sản không thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam theo quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.