Quyền riêng tư của mỗi cá nhân được pháp luật bảo hộ như thế nào? Nếu có trường hợp xâm phạm quyền riêng tư cá nhân thì xử lý như thế nào?
Quyền riêng tư của mỗi cá nhân được pháp luật bảo hộ như thế nào?
Căn cứ Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định quyền riêng tư về bí mật thư tín, điện thoại… như sau:
"1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác."
Do đó, nếu bất kỳ ai, một cá nhân khác hoặc một tổ chức khác xâm phạm quyền riêng tư của bạn cụ thể ở đây là thư tín, điện thoại, điện tín hoặc một hình thức trao đổi thông tin riêng tư đều sẽ bị xử lý.
Xâm phạm quyền riêng tư cá nhân thì xử lý như thế nào?
Xâm phạm quyền riêng tư cá nhân thì xử lý như thế nào?
Căn cứ Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác như sau:
- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
+ Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;
+ Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;
+ Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;
+ Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;
+ Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
+ Có tổ chức;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;
+ Làm nạn nhân tự sát.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Do đó, tùy theo mức độ mà sẽ có hình phạt phù hợp. Trong trường hợp của anh/chị là phía công ty cố ý xâm phạm và dùng đoạn tin nhắn để đe dọa thì mức phạt cao nhất đối với tội phạm có tổ chức này lên đến 3 năm tù.
Có được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bị xâm phạm quyền riêng tư không?
Căn cứ Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm như sau:
"1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định."
Do đó, nếu anh/chị chứng minh được mức thiệt hại do hành vi của tổ chức trên. Anh/chị có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết bồi thường thiệt hại cho anh chị.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.