Phương tiện quá khổ giới hạn của đường bộ được quy định như thế nào? Vượt quá khổ giới hạn của đường bộ, người điều khiển phương tiện bị xử phạt như thế nào?
- Phương tiện quá khổ giới hạn của đường bộ được quy định như thế nào?
- Vượt quá khổ giới hạn của đường bộ, người điều khiển phương tiện bị xử phạt như thế nào?
- Ngoài bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vượt quá khổ giới hạn của đường bộ còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung nào?
- Có thể nộp phạt trực tiếp đối với hành vi điều khiển phương tiện vượt quá khổ giới hạn của đường bộ không?
Phương tiện quá khổ giới hạn của đường bộ được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 5 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định :
"Điều 5. Khổ giới hạn của đường bộ
1. Khổ giới hạn của đường bộ là khoảng trống có kích thước giới hạn về chiều cao, chiều rộng của đường, cầu, bến phà, hầm đường bộ để các xe, kể cả hàng hóa xếp trên xe đi qua được an toàn.
2. Khổ giới hạn về chiều cao của đường bộ là 4,75 mét đối với đường cao tốc, đường cấp I, II, III và 4,5 mét đối với đường cấp IV trở xuống.
3. Khổ giới hạn về chiều rộng của đường bộ là giới hạn chiều rộng làn xe, phụ thuộc vào cấp kỹ thuật của đường bộ và địa hình xây dựng tuyến đường."
Theo đó, phương tiện được coi quá khổ giới hạn của đường bộ là khi phương tiện quá khổ về chiều cao và chiều rộng của đường, cầu, bến phà, hầm đường bộ theo quy định khiến cho việc phương tiện đó di chuyển không an toàn.
Quá khổ giới hạn (Hình từ Internet)
Vượt quá khổ giới hạn của đường bộ, người điều khiển phương tiện bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 33 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 18 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định:
"Điều 33. Xử phạt người điều khiển xe bánh xích; xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường (kể cả xe ô tô chở hành khách)
...
3. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Chở hàng vượt khổ giới hạn của cầu, đường ghi trong Giấy phép lưu hành;
b) Điều khiển xe bánh xích tham gia giao thông không có Giấy phép lưu hành hoặc có Giấy phép lưu hành nhưng không còn giá trị sử dụng theo quy định hoặc lưu thông trực tiếp trên đường mà không thực hiện biện pháp bảo vệ đường theo quy định;
c) Điều khiển xe vượt quá khổ giới hạn của cầu, đường hoặc chở hàng vượt khổ giới hạn của cầu, đường tham gia giao thông, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng."
Theo đó chở hàng vượt khổ giới hạn của cầu, đường ghi trong Giấy phép lưu hành người điều khiển phương tiện có thể bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Ngoài bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vượt quá khổ giới hạn của đường bộ còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung nào?
Căn cứ tại khoản 6, khoản 7 Điều 33 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 18 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định:
"Điều 33. Xử phạt người điều khiển xe bánh xích; xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường (kể cả xe ô tô chở hành khách)
...
6. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1, khoản 3, điểm a khoản 4 Điều này còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng;
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b, điểm c khoản 4 Điều này còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng đến 04 tháng;
c) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 5 Điều này còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 03 tháng đến 05 tháng.
7. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều này nếu gây hư hại cầu, đường còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.”
Theo đó ngoài hình thức phạt tiền, người điều khiển phương tiện vượt quá khổ giới hạn của đường bộ còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng.
Ngoài ra nếu gây hư hại cầu, đường còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Có thể nộp phạt trực tiếp đối với hành vi điều khiển phương tiện vượt quá khổ giới hạn của đường bộ không?
Căn cứ Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định:
"Điều 20. Hình thức, thủ tục thu, nộp tiền phạt
1. Cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện việc nộp tiền phạt theo một trong các hình thức sau đây:
a) Nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt;
b) Chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
c) Nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 56, khoản 2 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc nộp trực tiếp cho cảng vụ hoặc đại diện cảng vụ hàng không đối với trường hợp người bị xử phạt là hành khách quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam để thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay làm nhiệm vụ trên chuyến bay quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay của hãng hàng không nước ngoài thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam;
d) Nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vào Kho bạc nhà nước theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích."
Theo đó tại khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:
"Điều 56. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản
1. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản."
Theo đó tại khoản 2 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:
'Điều 78. Thủ tục nộp tiền phạt
....
2. Tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt.
Trường hợp xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt trực tiếp và phải nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ hoặc ngày thu tiền phạt."
Theo quy định trên đối với hành vi điều khiển phương tiện vượt quá khổ giới hạn của đường bộ có thể nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.