Phù hiệu của xe taxi tải kinh doanh vận tải hàng hóa phải được dán ở vị trí nào của xe? Không lắp đồng hồ tính tiền cước sẽ bị xử phạt bao nhiêu?
- Phù hiệu của xe taxi tải kinh doanh vận tải hàng hóa phải được dán ở vị trí nào của xe?
- Người điều khiển xe taxi tải kinh doanh vận tải hàng hóa không lắp đồng hồ tính tiền cước sẽ bị xử phạt bao nhiêu?
- Người lái xe kinh doanh vận tải hàng hóa có quyền từ chối điều khiển phương tiện trong trường hợp nào?
Phù hiệu của xe taxi tải kinh doanh vận tải hàng hóa phải được dán ở vị trí nào của xe?
Căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 9 Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô như sau:
Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô
1. Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe taxi tải là việc sử dụng xe ô tô có trọng tải từ 1.500 ki-lô-gam trở xuống để vận chuyển hàng hóa và người thuê vận tải trả tiền cho lái xe theo đồng hồ tính tiền hoặc theo phần mềm tính tiền trên xe. Mặt ngoài hai bên thành xe hoặc cánh cửa xe niêm yết chữ “TAXI TẢI”, số điện thoại liên lạc, tên đơn vị kinh doanh.
2. Kinh doanh vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng
a) Kinh doanh vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng là việc sử dụng xe ô tô phù hợp để vận chuyển loại hàng có kích thước hoặc trọng lượng vượt quá giới hạn quy định nhưng không thể tháo rời;
b) Khi vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng, lái xe phải mang theo Giấy phép lưu hành (Giấy phép sử dụng đường bộ) còn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp.
3. Kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm là việc sử dụng xe ô tô để vận chuyển hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia. Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm phải có Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm do cơ quan có thẩm quyền cấp.
4. Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ là việc sử dụng xe đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc để vận chuyển công-ten-nơ.
5. Kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường là hình thức kinh doanh vận tải hàng hóa trừ các hình thức kinh doanh vận tải quy định tại các khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này.
6. Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ phải có phù hiệu “XE CÔNG-TEN-NƠ”, xe ô tô đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải hàng hóa phải có phù hiệu “XE ĐẦU KÉO”, xe ô tô tải kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường và xe taxi tải phải có phù hiệu “XE TẢI” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
...
Như vậy, xe taxi tải kinh doanh vận tải hàng hóa là việc sử dụng xe ô tô có trọng tải từ 1.500kg trở xuống để vận chuyển hàng hóa và người thuê vận tải trả tiền cho lái xe theo đồng hồ tính tiền hoặc theo phần mềm tính tiền trên xe.
Theo đó, phù hiệu “XE TẢI” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe
Ngoài ra, mặt ngoài hai bên thành xe hoặc cánh cửa xe niêm yết chữ “TAXI TẢI”, số điện thoại liên lạc, tên đơn vị kinh doanh.
Phù hiệu của xe taxi tải kinh doanh vận tải hàng hóa phải được dán ở vị trí nào của xe? (Hình từ Internet)
Người điều khiển xe taxi tải kinh doanh vận tải hàng hóa không lắp đồng hồ tính tiền cước sẽ bị xử phạt bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về mức xử phạt vi phạm hành chính người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ như sau:
Xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ
...
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe taxi tải không lắp đồng hồ tính tiền cước hoặc lắp đồng hồ tính tiền cước không đúng quy định;
b) Chở hàng vượt quá chiều cao xếp hàng cho phép đối với xe ô tô tải (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);
c) Chở công-ten-nơ trên xe (kể cả sơ mi rơ moóc) mà không sử dụng thiết bị để định vị chắc chắn công-ten-nơ với xe hoặc có sử dụng thiết bị nhưng công-ten-nơ vẫn bị xê dịch trong quá trình vận chuyển.
...
Như vậy, người điểu khiển xe taxi tải kinh doanh vận tải hàng hóa không lắp đồng hồ tính tiền cước sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Người lái xe kinh doanh vận tải hàng hóa có quyền từ chối điều khiển phương tiện trong trường hợp nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 49 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT có quy định như sau:
Quyền hạn, trách nhiệm của người lái xe kinh doanh vận tải hàng hóa
...
3. Trước khi thực hiện vận chuyển hàng hóa, người lái xe yêu cầu người chịu trách nhiệm xếp hàng hóa lên xe ký xác nhận việc xếp hàng vào Giấy vận tải; từ chối vận chuyển nếu việc xếp hàng không đúng quy định của pháp luật.
4. Có quyền từ chối điều khiển phương tiện khi phát hiện phương tiện không đảm bảo các điều kiện về an toàn, phương tiện không lắp thiết bị giám sát hành trình, camera (đối với loại xe thuộc đối tượng phải lắp) hoặc có lắp nhưng không hoạt động; phương tiện xếp hàng vượt quá khối lượng hàng hóa cho phép tham gia giao thông.
5. Không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô, camera lắp trên xe.
...
Như vậy, người lái xe taxi tải kinh doanh vận tải hàng hóa có quyền từ chối điều khiển phương tiện trong trường hợp sau:
- Phát hiện phương tiện không đảm bảo các điều kiện về an toàn, phương tiện không lắp thiết bị giám sát hành trình, camera (đối với loại xe thuộc đối tượng phải lắp) hoặc có lắp nhưng không hoạt động;
- Phương tiện xếp hàng vượt quá khối lượng hàng hóa cho phép tham gia giao thông.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.