Phó giám đốc công ty cổ phần có quyền giao kết hợp đồng lao động với người lao động hay không? Nếu hợp đồng bị sai sót thì có được ký lại hợp đồng khác?
- Hợp đồng lao động là gì? Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động ra sao?
- Phó giám đốc công ty cổ phần có quyền giao kết hợp đồng với người lao động không?
- Những người nào có thể tiến hành giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động?
- Trường hợp hợp đồng lao động có nội dung bị sai sót thì có được ký kết lại hợp đồng lao động mới không?
Hợp đồng lao động là gì? Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động ra sao?
Căn cứ theo Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hợp đồng lao động như sau:
“1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
2. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.”
Theo Điều 15 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động như sau:
- Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.
- Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.
Giao kết hợp đồng lao động
Phó giám đốc công ty cổ phần có quyền giao kết hợp đồng với người lao động không?
Tại khoản 3, khoản 5 Điều 18 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động như sau:
“3. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
b) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
c) Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
d) Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.
…
5. Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động không được ủy quyền lại cho người khác giao kết hợp đồng lao động.”
Căn cứ theo quy định trên thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật có quyền giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Cũng theo quy định của pháp luật doanh nghiệp thì đối với công ty cổ phần có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật. Bạn cần xác định rõ ai hoặc những ai là người đại điện theo pháp luật của công ty mình thì những người này trong phạm vi đại diện của mình có quyền giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Trong trường hợp phó giám đốc công ty bạn được giám đốc là người đại diện theo pháp luật duy nhất của công ty ủy quyền, thì phó giám đốc có thể tiến hành giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động. Phó giám đốc không được ủy quyền lại cho một người khác giao kết hợp đồng. Việc giao kết phải đảm bảo nguyên tắc giao kết hợp đồng nêu trên.
Những người nào có thể tiến hành giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động?
Tại Khoản 4 Điều 18 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động như sau:
“4. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;
c) Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;
d) Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.”
Trường hợp hợp đồng lao động có nội dung bị sai sót thì có được ký kết lại hợp đồng lao động mới không?
Theo Điều 33 Bộ luật Lao động 2019 quy định về sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động như sau:
"1. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
2. Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
3. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết."
Như vậy, khi người lao động phát hiện ra sai sót và muốn yêu cầu được sửa đổi, bổ sung thì người lao động cần báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất là 03 ngày làm việc về nội dung sai sót muốn sửa đổi. Khi hai bên đã thỏa thuận được việc sửa đổi thì hai bên sẽ tiến hành ký kết phụ lục hợp đồng hoặc giao kết một hợp đồng lao động mới.
Nếu như hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng thì hợp đồng lao động có nội dung bị sai sót vẫn có hiệu lực và hai bên vẫn phải thực hiện hợp đồng đó. Cho nên trước khi ký hợp đồng, người lao động cần đọc kỹ hợp đồng tránh sai sót mà có khả năng không thể sửa được, ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.