Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện được sử dụng với mục đích gì?
- Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện được sử dụng với mục đích gì?
- Tổ chức được giao, ủy quyền thu phí, lệ phí sử dụng phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện sai quy định có giá trị dưới 10.000.000 đồng bị phạt bao nhiêu?
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã có quyền xử phạt tổ chức được giao, ủy quyền thu phí, lệ phí sử dụng phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện sai quy định có giá trị dưới 10.000.000 đồng không?
Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện được sử dụng với mục đích gì?
Căn cứ Điều 4 Nghị định 120/2016/NĐ-CP quy định như sau:
Nguyên tắc quản lý và sử dụng phí
1. Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước, trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ theo tỷ lệ xác định quy định tại Điều 5 Nghị định này; phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách nhà nước.
Cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động bao gồm:
a) Cơ quan thực hiện cơ chế tài chính theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước.
b) Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
c) Cơ quan công an, quốc phòng được giao cung cấp dịch vụ, phục vụ công việc quản lý nhà nước được thu phí theo quy định của Luật phí và lệ phí.
2. Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo tỷ lệ xác định quy định tại Điều 5 Nghị định này; phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách nhà nước.
3. Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí được xác định theo quy định tại Điều 5 Nghị định này; phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách nhà nước, trừ trường hợp Chính phủ có quy định khác thì thực hiện theo quy định của Chính phủ. Số tiền phí được để lại là doanh thu của tổ chức thu phí.
Theo đó, phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo tỷ lệ xác định quy định tại Điều 5 Nghị định 120/2016/NĐ-CP. Phần còn lại (nếu có) sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.
Nguyên tắc quản lý và sử dụng phí (hình từ Internet)
Tổ chức được giao, ủy quyền thu phí, lệ phí sử dụng phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện sai quy định có giá trị dưới 10.000.000 đồng bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ Điều 27 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định như sau:
Hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước đối với trường hợp được giao, ủy quyền thu phí, lệ phí
1. Đối với hành vi sử dụng tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước sai quy định của pháp luật:
a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến dưới 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tiền phí, lệ phí sai quy định pháp luật có giá trị dưới 10.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tiền phí, lệ phí sai quy định của pháp luật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tiền phí, lệ phí sai quy định của pháp luật có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tiền phí, lệ phí sai quy định của pháp luật có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tiền phí, lệ phí sai quy định của pháp luật có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tiền phí, lệ phí sai quy định có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền có được do hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.
Theo quy định trên, cá nhân được giao, ủy quyền thu phí, lệ phí sử dụng phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện sai quy định có giá trị dưới 10.000.000 đồng sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến dưới 1.000.000 đồng.
Lưu ý mức phạt này chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm quy định trên, đối với tổ chức mức xử lý vi phạm sẽ nhân hai cho cùng một hành vi (theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 3 Nghị định 109/2013/NĐ-CP).
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm quy định này còn buộc nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền có được do hành vi vi phạm quy định này gây ra.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã có quyền xử phạt tổ chức được giao, ủy quyền thu phí, lệ phí sử dụng phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện sai quy định có giá trị dưới 10.000.000 đồng không?
Căn cứ khoản 1 Điều 43 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định như sau:
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng.
c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 25 Nghị định này.
...
Như đã phân tích ở trên, mức xử phạt tối đa đối với tổ chức được giao, ủy quyền thu phí, lệ phí sử dụng phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện sai quy định có giá trị dưới 10.000.000 đồng là dưới 2.000.000 đồng (thấp hơn mức tối đa mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền xử phạt).
Do đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được quyền xử phạt tổ chức vi phạm quy định này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.