Những yêu cầu nào trong hồ sơ mời thầu gói thầu mua sắm hàng hóa có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh?
- Những yêu cầu nào trong hồ sơ mời thầu gói thầu mua sắm hàng hóa có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh?
- Các thỏa thuận khác không thuộc hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế cạnh tranh để một bên trúng thầu có vi phạm pháp luật không?
- Thỏa thuận nhằm hạn chế cạnh tranh để một bên trúng thầu bị xử phạt hành chính bao nhiêu?
Những yêu cầu nào trong hồ sơ mời thầu gói thầu mua sắm hàng hóa có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh?
Theo khoản 21 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023 thì hồ sơ mời thầu được hiểu là toàn bộ tài liệu sử dụng cho hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, bao gồm các yêu cầu cho một dự án, gói thầu, dự án đầu tư kinh doanh làm căn cứ để nhà thầu, nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự thầu và để bên mời thầu tổ chức đánh giá hồ sơ dự thầu.
Và theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu 2023 thì hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Đồng thời, tại khoản 8 Điều 4 Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT có quy định như sau:
Áp dụng các Mẫu hồ sơ và Phụ lục
...
8. Phụ lục:
...
l) Phụ lục 8: Một số hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật Đấu thầu.
...
Theo đó, tại Phụ lục 8 ban hành kèm Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT có nêu một số nội dung của E HSMT dẫn đến hạn chế cạnh tranh theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu 2023 đối với gói thầu mua sắm hàng hóa gồm:
- Quy định yêu cầu về kỹ thuật mà chỉ có một sản phẩm cụ thể của một hãng sản xuất cụ thể đáp ứng trong khi trên thị trường có nhiều hãng sản xuất có thể cung cấp hàng hóa thuộc gói thầu;
- Yêu cầu giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương đối với những hàng hóa thông dụng, đơn giản;
- Yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 3 Điều 10, khoản 2 Điều 44 và khoản 1 Điều 56 của Luật Đấu thầu;
- Yêu cầu về hàng hóa mẫu đối với gói thầu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 27 Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT.
- Yêu cầu nhà thầu khi tham dự thầu phải có giấy cam kết hỗ trợ kỹ thuật do nhà sản xuất ban hành và phải có dấu xác nhận của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, nhà phân phối;
- Yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với phần công việc cung cấp hàng hóa;
- Yêu cầu về giấy chứng nhận ISO đối với nhà thầu không phải là nhà sản xuất;
- Yêu cầu về thiết bị chủ chốt để thực hiện gói thầu.
Lưu ý: E HSMT là hồ sơ mời thầu đối với đấu thầu rộng rãi qua mạng, đấu thầu hạn chế qua mạng, chào hàng cạnh tranh qua mạng. (Theo điểm h khoản 3 Điều 3 Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT)
Những yêu cầu nào trong hồ sơ mời thầu gói thầu mua sắm hàng hóa có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh? (Hình từ Internet)
Các thỏa thuận khác không thuộc hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế cạnh tranh để một bên trúng thầu có vi phạm pháp luật không?
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 quy định như sau:
Các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu
1. Đưa, nhận, môi giới hối lộ.
2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây ảnh hưởng, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dưới mọi hình thức.
3. Thông thầu bao gồm các hành vi sau đây:
a) Dàn xếp, thỏa thuận, ép buộc để một hoặc các bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu hoặc rút hồ sơ dự thầu để một bên trúng thầu;
b) Dàn xếp, thỏa thuận để từ chối cung cấp hàng hóa, dịch vụ, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc thực hiện các hình thức thỏa thuận khác nhằm hạn chế cạnh tranh để một bên trúng thầu;
c) Nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu.
...
Như vậy, theo quy định thì đối với hành vi thỏa thuận khác không thuộc hồ sơ mời thầu nhưng nhằm hạn chế cạnh tranh để một bên trúng thầu được xem là hành vi thông thầu và bị cấm trong hoạt động đấu thầu. Do đó, đây là một hành vi vi phạm pháp luật.
Thỏa thuận nhằm hạn chế cạnh tranh để một bên trúng thầu bị xử phạt hành chính bao nhiêu?
Như đã nêu trên thì hành vi thỏa thuận nhằm hạn chế cạnh tranh để một bên trúng thầu được xác định là hành vi thông thầu.
Và mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi thông thầu được quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định 122/2021/NĐ-CP như sau:
Vi phạm các điều cấm trong đấu thầu
Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau mà không phải là tội phạm theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự:
1. Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.
2. Thông thầu.
3. Gian lận trong đấu thầu.
4. Cản trở hoạt động đấu thầu.
5. Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
6. Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu.
7. Chuyển nhượng thầu trái phép.
Tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Mức phạt tiền
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 28; điểm a và điểm b khoản 2 Điều 38; Điều 62 và Điều 63 Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức.
..
Như vậy, các bên có hành vi thỏa thuận nhằm hạn chế cạnh tranh để một bên trúng thầu thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với tổ chức, và từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với cá nhân.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.