Người sử dụng lao động không công khai bảng lương, thang lương trước khi thực hiện có bị xử phạt vi phạm hành chính không?
Thang lương, bảng lương được hiểu như thế nào?
Thang lương (hay thang bảng lương) được hiểu là một hệ thống xây dựng từ ngạch lương, nhóm lương, bậc lương để làm cơ sở trả lương cho người lao động.
Khi căn cứ vào thang bảng lương, người quản lý sẽ dễ dàng phân loại được từng nhóm và năng lực lao động trong doanh nghiệp của mình và dựa vào đó có thể trả lương cho người lao động dựa trên mức độ, khả năng đóng góp và hoàn thành công việc, nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên cần lưu ý về vấn đề mức lương tối thiểu vùng khi xây dựng thang lương, bảng lương. Cụ thể mức lương được quy định trong thang lương, bảng lương phải cao hơn mức lương tối thiểu của vùng đó. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP, quy định mức lương tối thiểu như sau:
+ Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
+ Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
+ Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
+ Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Để xác định doanh nghiệp của mình thuộc vùng nào, doanh nghiệp có thể tham khảo phụ lục danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được ban hành kèm thèo Nghị định 90/2019/NĐ-CP.
Công khai bảng lương, thang lương
Quy định về việc xây dựng thang lương, bảng lương
Điều 93 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động:
- Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.
- Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.
- Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.
Thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.
Như vậy, thang lương, bảng lương buộc phải được công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện. Việc công ty bạn không công khai đã vi phạm nguyên tắc của việc xây dựng thang lương, bảng lương và sẽ bị phạt vi phạm theo quy định của pháp luật.
Mức phạt đối với hành vi không công khai thang lương, bảng lương là bao nhiêu?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm của người sử dụng lao động như sau:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
+ Không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện: thang lương, bảng lương; mức lao động; quy chế thưởng;
+ Không xây dựng thang lương, bảng lương hoặc định mức lao động; không áp dụng thử mức lao động trước khi ban hành chính thức;
+ Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương; định mức lao động; quy chế thưởng;
+ Không thông báo bảng kê trả lương hoặc có thông báo bảng kê trả lương cho người lao động nhưng không đúng theo quy định;
+ Không trả lương bình đẳng hoặc phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Đây là mức xử phạt đối với cá nhân sử dụng lao động vi phạm. Theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, tổ chức sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền gấp 02 lần so với khoản tiền phạt nêu trên.
Tóm lại, người sử dụng phải có trách nhiệm công khai thang lương, bảng lương trước khi thực hiện tại nơi làm việc cho người lao động biết, để tránh bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.