Ngân hàng con ở nước ngoài của ngân hàng thương mại là gì? Hồ sơ đề nghị chấp thuận chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài?
Ngân hàng con ở nước ngoài của ngân hàng thương mại là gì?
Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Thông tư 32/2024/TT-NHNN có quy định giải thích định nghĩa ngân hàng con ở nước ngoài của ngân hàng thương mại như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
7. Ngân hàng con ở nước ngoài của ngân hàng thương mại (sau đây gọi là ngân hàng con ở nước ngoài) là ngân hàng mà ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng thương mại và người có liên quan của ngân hàng thương mại sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc trên 50% vốn cổ phần có quyền biểu quyết, được thành lập tại nước ngoài theo quy định pháp luật nước ngoài.
...
Theo đó, ngân hàng con ở nước ngoài của ngân hàng thương mại được hiểu là ngân hàng mà ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng thương mại và người có liên quan của ngân hàng thương mại sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc trên 50% vốn cổ phần có quyền biểu quyết, được thành lập tại nước ngoài theo quy định pháp luật nước ngoài.
Ngân hàng con ở nước ngoài của ngân hàng thương mại là gì? (Hình từ Internet)
Thẩm quyền chấp thuận chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài của ngân hàng thương mại thuộc về ai?
Căn cứ quy định tại Điều 4 Thông tư 32/2024/TT-NHNN có quy định:
Thẩm quyền chấp thuận về mạng lưới của ngân hàng thương mại
1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét chấp thuận việc ngân hàng thương mại thành lập, chấm dứt hoạt động, giải thể (trừ trường hợp tự nguyện chấm dứt hoạt động) chi nhánh ở trong nước; thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài; chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài của ngân hàng thương mại.
2. Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng xem xét chấp thuận việc ngân hàng thương mại thành lập, chấm dứt hoạt động, giải thể (trừ trường hợp tự nguyện chấm dứt hoạt động) phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước.
3. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét chấp thuận:
a) Thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch;
b) Tự nguyện chấm dứt hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch;
c) Thay đổi chi nhánh quản lý phòng giao dịch.
...
Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là người có thẩm quyền xem xét chấp thuận việc ngân hàng thương mại chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài của ngân hàng thương mại.
Hồ sơ đề nghị chấp thuận chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài?
Theo quy định tại Điều 25 Thông tư 32/2024/TT-NHNN có quy định hồ sơ đề nghị chấp thuận chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài gồm:
(1) Văn bản của ngân hàng thương mại đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài.
(2) Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông (đối với ngân hàng thương mại cổ phần); nghị quyết của Hội đồng thành viên (đối với ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên); ý kiến chấp thuận của chủ sở hữu (đối với ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên) thông qua việc chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài.
(3) Đề án chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài, trong đó phải có tối thiểu các nội dung sau:
- Tên đầy đủ bằng tiếng Việt và bằng tiếng nước ngoài, tên viết tắt bằng tiếng Việt và bằng tiếng nước ngoài (nếu có);
- Địa điểm (tên quốc gia và địa chỉ cụ thể);
- Mức vốn đã cấp cho ngân hàng con ở nước ngoài;
- Nội dung hoạt động; thời hạn hoạt động; đối tượng khách hàng chính;
- Lý do chuyển đổi hình thức pháp lý;
- Mức vốn dự kiến cấp thêm hoặc mức vốn giảm tại ngân hàng con ở nước ngoài khi chuyển đổi hình thức pháp lý;
- Cơ cấu tổ chức và mạng lưới của ngân hàng con ở nước ngoài sau khi chuyển đổi hình thức pháp lý: Sơ đồ tổ chức gồm trụ sở chính, các phòng ban tại trụ sở chính; mạng lưới hoạt động của ngân hàng con ở nước ngoài (nếu có);
- Thông tin pháp lý có liên quan: liệt kê các quy định có liên quan của nước sở tại về việc cho phép tổ chức tín dụng nước ngoài chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước sở tại đó (tên, số hiệu, ngày tháng của văn bản);
- Nghiên cứu khả thi: phân tích môi trường kinh doanh, thị trường mục tiêu, các cơ hội kinh doanh cần nắm bắt và kế hoạch chiếm lĩnh thị trường sau khi chuyển đổi hình thức pháp lý;
- Phương thức kiểm soát của ngân hàng thương mại đối với ngân hàng con ở nước ngoài, trong đó cần nêu được tối thiểu các nội dung sau: phương thức (thuê ngoài hay tự thực hiện) và lý do lựa chọn phương thức; tổ chức thực hiện phương thức; chi phí ước tính thực hiện phương thức; khó khăn dự kiến và giải pháp;
- Phương án kinh doanh dự kiến của ngân hàng con ở nước ngoài trong 03 năm đầu sau khi chuyển đổi hình thức pháp lý, trong đó tối thiểu bao gồm: dự kiến bảng cân đối kế toán; báo cáo kết quả kinh doanh; báo cáo lưu chuyển tiền tệ; căn cứ xây dựng phương án và thuyết minh khả năng thực hiện phương án trong từng năm;
- Tác động và hiệu quả dự kiến của việc chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài, các vấn đề (nếu có) về bảo đảm an toàn hoạt động đối với ngân hàng thương mại và các giải pháp; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và các giới hạn góp vốn mua, cổ phần của ngân hàng thương mại sau khi chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài;
- Phương án và biện pháp xử lý của ngân hàng thương mại trong trường hợp ngân hàng con ở nước ngoài có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân hàng thương mại;
- Thông tin thay đổi về thành viên góp vốn, cổ đông lớn; dự kiến số tiền góp vốn, tỷ lệ góp vốn, số cổ phần, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các thành viên góp vốn, cổ đông lớn của ngân hàng con ở nước ngoài khi chuyển đổi hình thức pháp lý.
(4) Các văn bản khác chứng minh việc đáp ứng các điều kiện chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài theo quy định tại Điều 24 Thông tư 32/2024/TT-NHNN.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.