Mua bán điện với nước ngoài mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu?
- Cơ quan nào theo quy định có thẩm quyền cho phép mua bán điện với nước ngoài?
- Trình tự thẩm định và phê duyệt chủ trương mua bán điện với nước ngoài được thực hiện như thế nào?
- Mua bán điện với nước ngoài mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu?
Cơ quan nào theo quy định có thẩm quyền cho phép mua bán điện với nước ngoài?
Căn cứ khoản 1 Điều 22 Nghị định 137/2013/NĐ-CP quy định cơ quan có thẩm quyền cho phép mua bán điện với nước ngoài quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật Điện lực 2004 bao gồm:
(1) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương mua bán điện với nước ngoài qua lưới điện quốc gia từ cấp điện áp 220 kV trở lên.
Bộ Công Thương xem xét đề nghị mua bán điện với nước ngoài của các đơn vị điện lực, trình Thủ tướng Chính phủ.
(2) Bộ Công Thương phê duyệt chủ trương mua bán điện với nước ngoài qua lưới điện quốc gia có cấp điện áp dưới 220 kV theo đề nghị của đơn vị điện lực.
Mua bán điện với nước ngoài mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Trình tự thẩm định và phê duyệt chủ trương mua bán điện với nước ngoài được thực hiện như thế nào?
Căn cứ Điều 5 Thông tư 09/2015/TT-BCT quy định trình tự thẩm định và phê duyệt chủ trương mua bán điện với nước ngoài như sau:
(1) Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm lập và nộp trực tiếp Hồ sơ quy định tại Điều 4 Thông tư 09/2015/TT-BCT về Cục Điều tiết điện lực để thẩm định.
(2) Trường hợp Hồ sơ chưa hợp lệ, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm thông báo bằng văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam bổ sung hồ sơ trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được Hồ sơ.
(3) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ Hồ sơ hợp lệ, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm:
- Chủ trì tổ chức thẩm định Hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương mua, bán điện với nước ngoài cho dự án xuất, nhập khẩu điện;
- Lấy ý kiến bằng văn bản về phương án mua, bán điện với nước ngoài của dự án xuất, nhập khẩu điện của các cơ quan, đơn vị sau:
+ Bộ, ngành có liên quan đối với các dự án xuất, nhập khẩu điện đấu nối ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên;
+ Đơn vị điện lực có liên quan đối với các dự án xuất, nhập khẩu điện đấu nối ở cấp điện áp dưới 220 kV;
- Yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam giải trình ý kiến thẩm định hoặc tổ chức cho Cơ quan thẩm định xem xét và đánh giá dự án xuất, nhập khẩu điện tại hiện trường trong trường hợp cần thiết.
(4) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi hết hạn lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành và các đơn vị điện lực có liên quan đến phương án mua, bán điện với nước ngoài, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm hoàn thành báo cáo thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét để:
- Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với các dự án xuất, nhập khẩu điện đấu nối ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên.
- Phê duyệt đối với các dự án xuất, nhập khẩu điện đấu nối ở cấp điện áp dưới 220 kV.
Mua bán điện với nước ngoài mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu?
Căn cứ Điều 10 Nghị định 134/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 13 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP) quy định vi phạm các quy định về mua, bán buôn điện như sau:
Vi phạm các quy định về mua, bán buôn điện
...
3. Phạt tiền Đơn vị phát điện, Đơn vị bán buôn điện, Đơn vị bán lẻ điện từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán điện với đơn vị không có Giấy phép hoạt động điện lực.
4. Phạt tiền Đơn vị bán buôn điện từ 150.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với hành vi xuất, nhập khẩu điện mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính là số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định (bao gồm cả mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra) để trả lại cho cá nhân, tổ chức bị chiếm đoạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân để hoàn trả thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định vào ngân sách nhà nước;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính để sung vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.
Đồng thời, căn cứ khoản 3 Điều 3 Nghị định 134/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP) quy định về các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và mức phạt tiền như sau:
Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và mức phạt tiền
...
3. Mức phạt tiền:
a) Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực điện lực là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức;
b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trừ các hành vi vi phạm hành chính được quy định do tổ chức thực hiện tại Điều 5, Điều 7, Điều 8, từ khoản 2 đến khoản 6 Điều 9, Điều 10, khoản 4 và các khoản từ khoản 6 đến khoản 9 Điều 11, Điều 13, Điều 14, Điều 20, khoản 2 Điều 21, Điều 23, Điều 31 Nghị định này.”
Như vậy, theo quy định trên, hành vi mua bán điện với nước ngoài mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 150.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng.
Đồng thời phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp mà đối tượng thực hiện hành vi vi phạm có được từ hoạt động điện lực trong thời gian vi phạm để sung vào ngân sách nhà nước.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.