Một xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải đạt bao nhiêu điểm đánh giá? Chấm điểm dựa trên các tiêu chí gì?
Một xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải đạt bao nhiêu điểm đánh giá?
Căn cứ theo Điều 4 Quyết định 25/2021/QĐ-TTg có quy định như sau:
Điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên;
2. Tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên;
3. Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy một xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi có tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên, trong đó tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên.
Đồng thời tại xã này trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Một xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải đạt bao nhiêu điểm đánh giá? (Hình từ Internet)
Chấm điểm xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật dựa trên các tiêu chí gì?
Căn cứ theo Điều 3 Quyết định 25/2021/QĐ-TTg thì việc chấm điểm một xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật sẽ dựa trên 05 tiêu chí sau:
Tiêu chí 1: Ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn
- Chỉ tiêu 1: Ban hành đầy đủ, đúng quy định pháp luật các văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan có thẩm quyền giao;
- Chỉ tiêu 2: Ban hành đúng quy định pháp luật các văn bản hành chính có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân.
Tiêu chí 2: Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật
- Chỉ tiêu 1: Công khai các thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin và thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;
- Chỉ tiêu 2: Cung cấp thông tin theo yêu cầu kịp thời, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin;
- Chỉ tiêu 3: Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Chỉ tiêu 4: Triển khai các hình thức, mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại cơ sở;
- Chỉ tiêu 5: Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho tuyên truyền viên pháp luật theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Chỉ tiêu 6: Bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tiêu chí 3: Hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý
- Chỉ tiêu 1: Các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở được hòa giải kịp thời, hiệu quả theo đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở;
- Chỉ tiêu 2: Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở;
- Chỉ tiêu 3: Thông tin, giới thiệu về trợ giúp pháp lý theo đúng quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý.
Tiêu chí 4: Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn
- Chỉ tiêu 1: Tổ chức trao đổi, đối thoại với Nhân dân theo đúng quy định pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương;
- Chỉ tiêu 2: Tổ chức để Nhân dân bàn, quyết định trực tiếp các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;
- Chỉ tiêu 3: Tổ chức để Nhân dân bàn, biểu quyết các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;
- Chỉ tiêu 4: Tổ chức để Nhân dân tham gia ý kiến các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;
- Chỉ tiêu 5: Tổ chức để Nhân dân trực tiếp hoặc thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện giám sát các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Tiêu chí 5: Tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội
- Chỉ tiêu 1: Tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo;
- Chỉ tiêu 2: Tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính;
- Chỉ tiêu 3: Không có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Chỉ tiêu 4: Đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” theo đúng quy định pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Tổng số điểm tối đa của các tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là 100 điểm. Bộ Tư pháp hướng dẫn nội dung, điểm số và cách tính điểm của các tiêu chí, chỉ tiêu trên.
Việc đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cần đảm bảo các nguyên tắc gì?
Việc đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cần đảm bảo 03 nguyên tắc được quy định tại Điều 2 Quyết định 25/2021/QĐ-TTg, cụ thể như sau:
(1) Lấy người dân làm trung tâm trong việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
(1) Bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, công bằng, đúng quy định pháp luật.
(3) Việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường dân chủ ở cơ sở, vận động Nhân dân thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.