Môi trường đất bị ô nhiễm thì có được cải tạo, phục hồi lại hay không? Nếu có thì quy trình xử lý, cải tạo và phục hồi được thực hiện như thế nào?
Môi trường đất được bảo vệ theo những quy định chung nào?
Căn cứ Điều 15 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định chung về bảo vệ môi trường không khí như sau:
- Quy hoạch, kế hoạch, dự án và hoạt động có sử dụng đất phải xem xét tác động đến môi trường đất, có giải pháp phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo vệ môi trường đất.
- Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ môi trường đất; xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất đối với khu vực ô nhiễm môi trường đất do mình gây ra.
- Nhà nước xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất ở khu vực ô nhiễm môi trường đất do lịch sử để lại hoặc không xác định được tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm.
- Chính phủ quy định chi tiết việc bảo vệ môi trường đất.
Xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất được quy định ra sao?
Căn cứ Điều 17 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về quản lý chất lượng môi trường đất như sau:
- Chất lượng môi trường đất phải được điều tra, đánh giá, phân loại và công khai thông tin theo quy định của pháp luật.
- Khu vực đất có nguy cơ ô nhiễm phải được theo dõi và giám sát.
- Khu vực ô nhiễm môi trường đất phải được điều tra, đánh giá, khoanh vùng, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất.
- Vùng đất bị ô nhiễm dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ dùng trong chiến tranh, thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu và chất độc hại khác phải được điều tra, đánh giá, khoanh vùng và xử lý bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Theo Điều 18 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất như sau:
- Điều tra, đánh giá, phân loại khu vực ô nhiễm môi trường đất, xác định nguyên nhân, phạm vi và mức độ ô nhiễm, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất.
- Thực hiện biện pháp kiểm soát khu vực ô nhiễm môi trường đất gồm khoanh vùng, cảnh báo, không cho phép hoặc hạn chế hoạt động nhằm giảm thiểu tác động đến sức khỏe con người.
- Lập, thực hiện phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất; ưu tiên xử lý các khu vực có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng, ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng.
- Quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường đất sau xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất.
Và theo Điều 16 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về phân loại khu vực ô nhiễm môi trường đất như sau:
“Điều 16. Phân loại khu vực ô nhiễm môi trường đất
1. Khu vực ô nhiễm môi trường đất là khu vực đất có chất ô nhiễm vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
2. Khu vực ô nhiễm môi trường đất được phân loại theo tiêu chí nguồn gây ô nhiễm, khả năng lan truyền, đối tượng chịu tác động.
3. Khu vực ô nhiễm môi trường đất được phân loại theo mức độ ô nhiễm, gồm khu vực ô nhiễm, khu vực ô nhiễm nghiêm trọng và khu vực ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng.”
Như vậy, môi trường đất sẽ được điều tra, đánh giá và phân loại dựa trên chất lượng môi trường đất. Sau đó, dựa trên phân loại khu vực đất, nhà nước sẽ xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất.
Môi trường đất bị ô nhiễm thì có được cải tạo, phục hồi lại hay không?
Nhà nước xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất như thế nào?
Như trên đã đề cập, để xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất thì nhà nước phải điều tra và đánh giá về chất lượng môi trường đất. Cụ thể như sau:
Căn cứ Điều 15 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về điều tra, đánh giá sơ bộ chất lượng môi trường đất như sau:
- Việc điều tra, đánh giá sơ bộ khu vực đất quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 08/2022/NĐ-CP nhằm đánh giá, phát hiện các chất gây ô nhiễm có hàm lượng vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng đất, nguyên nhân, đối tượng gây ra ô nhiễm môi trường. Kết quả điều tra, đánh giá sơ bộ là căn cứ để xác định, khoanh vùng và quản lý các khu vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, khu vực ô nhiễm môi trường đất theo quy định tại các khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 17 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
- Nội dung điều tra, đánh giá sơ bộ bao gồm:
+ Tổng hợp, rà soát tài liệu liên quan đến khu vực đất cần thực hiện điều tra, đánh giá;
+ Khảo sát hiện trường khu vực ô nhiễm môi trường đất;
+ Tiến hành lấy mẫu, phân tích mẫu để xác định hàm lượng các chất ô nhiễm, nguồn ô nhiễm và sơ bộ đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm;
+ Lập báo cáo kết quả điều tra, đánh giá sơ bộ theo mẫu do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
- Căn cứ kết quả điều tra, đánh giá sơ bộ, cơ quan quy định tại khoản 4 Điều này có trách nhiệm:
+ Công bố thông tin và khoanh vùng sơ bộ khu vực ô nhiễm để tiến hành điều tra, đánh giá chi tiết;
+ Công bố thông tin và khoanh vùng khu vực đất có nguy cơ ô nhiễm để theo dõi, giám sát.
Và căn cứ Điều 16 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về điều tra, đánh giá chi tiết khu vực ô nhiễm môi trường đất như sau:
- Việc điều tra, đánh giá chi tiết khu vực ô nhiễm môi trường đất nhằm xác định các chất ô nhiễm tồn lưu, hàm lượng chất ô nhiễm tồn lưu; nguồn ô nhiễm tồn lưu; phân loại mức độ, quy mô, phạm vi tác động của ô nhiễm đến môi trường; đề xuất biện pháp xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường.
- Nội dung điều tra, đánh giá chi tiết bao gồm:
+ Lập kế hoạch chi tiết khảo sát thực tế hiện trường;
+ Điều tra, khảo sát, lấy mẫu chi tiết tại hiện trường theo phạm vi phân bố hàm lượng của chất ô nhiễm tồn lưu; phân tích, đánh giá chi tiết, xác định thành phần, tính chất chất gây ô nhiễm tồn lưu, mức độ, quy mô và tác động ảnh hưởng đến môi trường;
+ Xây dựng bản đồ khu vực ô nhiễm môi trường đất với các thông tin về chất gây ô nhiễm, mức độ ô nhiễm, phạm vi ô nhiễm;
+ Lập báo cáo kết quả điều tra, đánh giá chi tiết khu vực ô nhiễm môi trường đất theo mẫu do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
- Kết quả điều tra, đánh giá chi tiết là căn cứ để xây dựng phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường và xác định trách nhiệm xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đất.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật về cách thức, phương pháp, mạng lưới lấy mẫu phân tích sơ bộ, chi tiết chất lượng môi trường đất tại hiện trường.
Và theo quy định tại khoản 6 Điều 17 Nghị định 08/2022/NĐ-CP thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để bảo vệ, cải tạo, phục hồi và nâng cao độ phì đất nông nghiệp.
Như vậy, kết quả điều tra, đánh giá sơ bộ và điều tra, đánh giá chi tiết sẽ là căn cứ để đưa ra phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường. Phương án này sẽ được gửi tới cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh để tổ chức kiểm tra, giám sát và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm bảo vệ, cải tạo, phục hồi và nâng cao độ phì đất nông nghiệp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.