Lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả thì có bị xử phạt hay không? Có thể loại bỏ những thông tin về hàng giả ra khỏi website hay không?
Như thế nào được xem là hàng giả?
Theo khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về hàng giả như sau:
“Hàng giả” gồm:
- Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
- Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
- Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 Luật Dược 2016;
- Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;
- Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
- Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.
Lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả
Có luật chống bán hàng giả trên sàn thương mại điện tử không? Lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả thì có bị xử phạt hay không?
Hiện tại, chưa có Luật chống bán hàng giả trên sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả được quy định tại Điều 4 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 và Điều 2 Nghị định 85/2021/NĐ-CP về các hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử như sau:
- Vi phạm về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử:
+ Lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
+ Lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh;
+ Lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để huy động vốn trái phép từ các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác;
+ Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử khi chưa đăng ký theo các quy định của Nghị định này;
+ Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử không đúng với thông tin trong hồ sơ đăng ký hoặc cấp phép;
+ Có hành vi gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi thực hiện các thủ tục thông báo thiết lập website thương mại điện tử, đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, đăng ký các dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử.
- Vi phạm về thông tin trên website thương mại điện tử:
+ Giả mạo thông tin đăng ký hoặc không tuân thủ các quy định về hình thức, quy cách công bố thông tin đăng ký trên website thương mại điện tử;
+ Sử dụng biểu trưng của các chương trình đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử khi chưa được những chương trình này công nhận;
+ Sử dụng các đường dẫn, biểu trưng hoặc công nghệ khác trên website thương mại điện tử để gây nhầm lẫn về mối liên hệ với thương nhân, tổ chức, cá nhân khác;
+ Sử dụng đường dẫn để cung cấp những thông tin trái ngược hoặc sai lệch so với thông tin được công bố tại khu vực website có gắn đường dẫn này.
- Vi phạm về giao dịch trên website thương mại điện tử:
+ Thực hiện các hành vi lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử;
+ Giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động thương mại điện tử;
+ Can thiệp vào hệ điều hành và trình duyệt Internet tại các thiết bị điện tử truy cập vào website nhằm buộc khách hàng lưu lại website trái với ý muốn của mình.
- Các vi phạm khác:
+ Đánh cắp, sử dụng, tiết lộ, chuyển nhượng, bán các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác hoặc thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thương mại điện tử khi chưa được sự đồng ý của các bên liên quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
+ Giả mạo hoặc sao chép giao diện website thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để kiếm lợi hoặc để gây nhầm lẫn, gây mất lòng tin của khách hàng đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân đó.
Theo đó, lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả là một trong những hành vi bị cấm.
Có thể loại bỏ những thông tin về hàng giả ra khỏi website hay không?
Theo khoản 4 Điều 4 Thông tư 47/2014/TT-BCT về quản lý website thương mại điện tử do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành quy định:
"Điều 4. Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
[...]
4. Loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này.
[...]”
Như vậy, việc loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả thuộc về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.