Lệ phí chứng thực tại xã và Bộ phận Một cửa ở xã phường được quản lý thế nào? Nếu là UBND xã thì có được giữ lại 50% để trang trải chi phí không?
Lệ phí chứng thực tại xã và Bộ phận Một cửa ở xã phường được quản lý thế nào?
Tại Điều 7 Thông tư 226/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí chứng thực do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành cụ thể:
- Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.Nguồn chi phí trang trải cho thực hiện công việc và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.
- Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ thì được trích lại 50% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ. Nộp 50% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
Lệ phí chứng thực
Nếu là UBND xã thì có được giữ lại 50% để trang trải chi phí không?
Tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 120/2016/NĐ-CP quy định:
"Điều 4. Nguyên tắc quản lý và sử dụng lệ phí
1. Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước, trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ theo tỷ lệ xác định quy định tại Điều 5 Nghị định này; phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách nhà nước.
Cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động bao gồm:
a) Cơ quan thực hiện cơ chế tài chính theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước.
b) Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
c) Cơ quan công an, quốc phòng được giao cung cấp dịch vụ, phục vụ công việc quản lý nhà nước được thu phí theo quy định của Luật phí và lệ phí.
2. Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo tỷ lệ xác định quy định tại Điều 5 Nghị định này; phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách nhà nước.
3. Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí được xác định theo quy định tại Điều 5 Nghị định này; phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách nhà nước, trừ trường hợp Chính phủ có quy định khác thì thực hiện theo quy định của Chính phủ. Số tiền phí được để lại là doanh thu của tổ chức thu phí."
Chị xem xét UBND cấp xã của chị có thuộc các trường hợp được khoán chi phí hoạt động nêu trên hay không. Nếu được khoán kinh phí hoạt động thì được trích lại 50% số tiền phí thu được để trang trải chi phí theo quy định.
Xác định tỷ lệ để lại và quản lý, sử dụng phí được pháp luật quy định như thế nào?
Theo Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP quy định xác định tỷ lệ để lại và quản lý, sử dụng phí như sau:
- Số tiền phí được khấu trừ hoặc để lại cho tổ chức thu phí quy định tại Điều 4 Nghị định này được xác định như sau:
a) Số tiền phí được khấu trừ hoặc để lại = Số tiền phí thu được x Tỷ lệ để lại.
b) Tỷ lệ để lại được xác định như sau:
Tỷ lệ để lại (%) = (Dự toán cả năm về chi phí cần thiết cho các hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí x 100) : Dự toán cả năm về phí thu được
Trong đó:
+ Dự toán cả năm về chi phí cần thiết cho các hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí được xây dựng căn cứ nội dung chi tại Khoản 2 Điều này và căn cứ chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi theo quy định.
+ Dự toán cả năm về phí thu được do tổ chức thu thực hiện được xây dựng căn cứ mức phí dự kiến và số lượng dịch vụ cung cấp trong năm.
+ Trường hợp điều chỉnh mức tỷ lệ để lại, dự toán thu, chi còn căn cứ số liệu thu, chi của năm trước liền kề.
+ Tỷ lệ để lại tối đa không quá 100%.
c) Căn cứ tính chất, đặc điểm của các khoản phí và nội dung chi quy định tại Khoản 2 Điều này, tổ chức thu phí lập dự toán thu, chi và tỷ lệ để lại tại Đề án thu phí; trình cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.
d) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật phí và lệ phí quyết định tỷ lệ để lại cho tổ chức thu phí. Trường hợp các khoản phí có tính chất tương tự, cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định mức tỷ lệ để lại chung áp dụng thống nhất.
Trường hợp chính sách của Nhà nước thay đổi; số tiền phí được để lại không đủ đảm bảo chi phí cho hoạt động của tổ chức thu phí hoặc tồn dư sử dụng không hết chuyển nguồn qua các năm, cơ quan có thẩm quyền thực hiện điều chỉnh tỷ lệ để lại phù hợp.
- Số tiền phí để lại cho tổ chức thu phí quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Nghị định này được chi dùng cho các nội dung sau đây:
a) Chi thực hiện chế độ tự chủ (đối với cơ quan nhà nước), chi thường xuyên (đối với đơn vị sự nghiệp công lập).
+ Chi thanh toán cho cá nhân thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí: Tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo quy định được tính trên tiền lương (trừ chi phí tiền lương cho cán bộ, công chức đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chế độ quy định).
+ Chi phí phục vụ cho việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí như: Văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc, điện, nước, công tác phí theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành.
+ Chi sửa chữa thường xuyên tài sản, máy móc, thiết bị trực tiếp phục vụ cho thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí.
+ Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu liên quan đến việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí.
+ Trích khấu hao tài sản cố định để thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư từ nguồn thu phí.
+ Các khoản chi khác liên quan đến thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí.
b) Chi không thực hiện chế độ tự chủ (đối với cơ quan nhà nước), chi nhiệm vụ không thường xuyên (đối với đơn vị sự nghiệp công lập).
+Chi mua sắm, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ cho việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí (trừ đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư từ nguồn thu phí theo Luật phí và lệ phí).
+ Các khoản chi khác có tính chất không thường xuyên liên quan đến việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí.
- Ngoài các nội dung chi tại Khoản 2 Điều này, tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập được Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng tiền phí được để lại để chi cho các nội dung khác thì thực hiện chi theo quy định của Chính phủ hoặc quyết định Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế tài chính theo quy định riêng của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ, tiền phí để lại được sử dụng theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ.
- Số tiền phí để lại cho tổ chức thu phí chi cho các nội dung tại Khoản 2 Điều này, đối với cơ quan nhà nước thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính; đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ.
- Hàng năm, tổ chức thu phí phải quyết toán thu, chi theo quy định. Sau khi quyết toán thu, chi đúng chế độ, số tiền phí được trích để lại chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.