Kiểm soát ô nhiễm tại các cơ sở trồng trọt hữu cơ như thế nào? Có được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay không?
Kiểm soát ô nhiễm tại các cơ sở trồng trọt hữu cơ như thế nào?
Tại tiểu mục 5.1.11 Mục 5 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-2:2017 về Nông nghiệp hữu cơ - Phần 2: Trồng trọt hữu cơ hướng dẫn về kiểm soát ô nhiễm tại các cơ sở trồng trọt hữu cơ như sau:
Các yêu cầu
...
5.1.11 Kiểm soát ô nhiễm
Kiểm soát ô nhiễm theo 5.1.6 của TCVN 11041-1:2017 và các yêu cầu sau đây:
- Trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu sử dụng trong quá trình trồng trọt hữu cơ được vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng. Các thiết bị phòng trừ sinh vật gây hại đã được sử dụng trong sản xuất thông thường không được sử dụng trong sản xuất hữu cơ;
- Khuyến khích sử dụng các vật liệu che phủ đất tự phân hủy, vật liệu thân thiện với môi trường. Trường hợp không có vật liệu trên, sử dụng vật liệu khác nhưng phải thu gom, xử lý triệt để;
- Nơi bảo quản, xử lý phân bón, tàn dư thực vật và nơi chứa thuốc bảo vệ thực vật, dụng cụ pha bình bơm phải được che mưa, che nắng, cách ly với khu vực sản xuất, khu vực chứa sản phẩm và nguồn nước tưới.
Theo đó thì tiểu mục 5.1.6 Mục 5 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-1:2017 quy định như sau:
Các yêu cầu
...
5.1.6 Kiểm soát ô nhiễm
Trong sản xuất hữu cơ, phải hạn chế tối đa việc sử dụng vật tư, nguyên liệu đầu vào là các chất tổng hợp trong tất cả các giai đoạn sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển, phân phối; không được để người và môi trường xung quanh phơi nhiễm với các hóa chất độc hại; giảm thiểu ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất, chế biến đến cơ sở và môi trường xung quanh.
Phải có biện pháp phòng ngừa trong trường hợp sự ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến tính toàn vẹn hữu cơ của chuỗi cung ứng. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm việc sử dụng vùng đệm hoặc hàng rào vật lý được nêu trong 5.1.1.
Phải có biện pháp ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm từ thiết bị, dụng cụ, bao gồm việc vệ sinh thiết bị, dụng cụ và lưu hồ sơ. Nếu nghi ngờ có sự ô nhiễm, phải nhận diện và xử lý nguồn gây ô nhiễm. Cần có sự phân tích, đánh giá thích đáng khi nhận diện được nguy cơ cao do sử dụng vật tư, nguyên liệu đầu vào không được phép sử dụng.
Sau khi nhận diện được chất thải và chất gây ô nhiễm, phải xây dựng và thực hiện kế hoạch để tránh hoặc giảm chất thải và chất ô nhiễm. Các chất thải trong quá trình sản xuất được thu gom và xử lý nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm ở khu vực sản xuất, nguồn nước và sản phẩm. Các chất thải hữu cơ được xử lý đúng cách để tái sử dụng, các chất thải không tái sử dụng được xử lý đúng cách tránh gây ô nhiễm cho khu vực sản xuất và môi trường xung quanh.
Như vậy đối với các cơ sở muốn trồng trọt theo tiêu chuẩn hữu cơ thì phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về kiểm soát ô nhiễm nêu trên.
Kiểm soát ô nhiễm tại các cơ sở trồng trọt hữu cơ như thế nào? Có được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay không? (Hình từ Internet)
Trồng trọt hữu cơ có được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay không?
Khi trồng trọt hữu cơ thì vẫn được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tuy nhiên theo quy định tại Mục A.2 Phụ lục A ban hành kèm theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-2:2017 thì chỉ được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật được chỉ định và chỉ sử dụng khi:
- Việc sử dụng các chất này thực sự thật cần thiết để kiểm soát sinh vật gây hại cụ thể mà không thể áp dụng hoặc áp dụng không hiệu quả biện pháp sinh học, vật lý hoặc biện pháp quản lý cây trồng;
- Việc sử dụng các chất này cần tính đến tác động có thể gây hại đối với môi trường, hệ sinh thái (cụ thể, sinh vật không phải đích), sức khỏe của con người và vật nuôi;
- Các chất được sử dụng phải có nguồn gốc thực vật, động vật, vi sinh hoặc chất khoáng và có thể phải trải qua các quá trình: vật lý (ví dụ quá trình cơ học, nhiệt học), enzym hóa, quá trình vi sinh học (ví dụ quá trình ủ phân, phân hủy);
- Các chất được sử dụng nếu được tổng hợp bằng phương pháp hóa học, ví dụ: pheromon sử dụng trong bẫy côn trùng, thì chúng được xem xét đưa thêm vào danh mục nếu như không có đủ số lượng sản phẩm ở dạng tự nhiên, với điều kiện việc sử dụng chúng không trực tiếp hay gián tiếp tạo dư lượng trong các phần ăn được của sản phẩm;
- Việc sử dụng chúng phải rất hạn chế trong các điều kiện cụ thể.
Có các loại thuốc bảo vệ thực vật nào được sử dụng trong trồng trọt hữu cơ?
Tại Bảng A.2 Phụ lục A ban hành kèm theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-2:2017 thì các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trong trồng trọt hữu cơ gồm có:
- Các chất dùng để kiểm soát sinh vật gây hại:
+ Chitin diệt tuyến trùng (chitin nematicide)
+ Bột cà phê
+ Bột gluten ngô
+ Axit tự nhiên (ví dụ: dấm)
+Chế phẩm, sản phẩm từ cây neem (Azadirachta spp.)
+ Sản phẩm lên men từ nấm Aspergillus
+ Dầu thực vật
+ Chế phẩm thực vật tự nhiên, ví dụ: bột hạt chè
+ Thuốc trừ sâu, rệp (repellents) từ thực vật, ví dụ: nước chiết thực vật đã lên men
+ Chế phẩm từ hoa cúc dại Chrysanthemum cinerariaefolium (Không bổ sung piperonyl butoxit tổng hợp)
+ Chế phẩm từ cây thằn lằn (Quassia amara)
+ Chế phẩm chứa rotenon cây dây mật (Derris elliptica), Lonchocarpus, cốt khí (Thephrosia spp.). Lưu ý: Khi sử dụng cần tránh để chế phẩm nhiễm vào nguồn nước.
+ Chế phẩm từ dây cát sâm (Ryania speciosa)
+ Spinosad - Chỉ sử dụng để giảm thiểu nguy cơ đối với các loài không phải đích (parasitoid) và để giảm thiểu nguy cơ phát triển của các sinh vật đối kháng.
+ Sabadilla 3)
+ Chất chiết từ thuốc lá (tobacco tea) - Không sử dụng nicotin tinh khiết
+ Clorua từ đá vôi
+ Các muối đồng, ví dụ: đồng sulfat, đồng hydroxit, đồng oxy clorua, đồng octanoat, đồng (I) oxit, hỗn hợp bordeaux và hỗn hợp burgundy. Lưu ý: Sử dụng làm thuốc diệt nấm nhưng việc sử dụng phải giảm thiểu sự tích lũy đồng trong đất.
+ Đất diatomit
+ Dầu khoáng nhẹ (parafin)
+ Dầu khoáng
+ Lưu huỳnh đá vôi (canxi polysulfide)
+ Natri bicacbonat
+ Canxi hydroxit (nước vôi trong). Lưu ý: Chỉ dùng cho các phần thực vật trên mặt đất
+ Canxi oxit (vôi sống)
+ Kali bicacbonat
+ Kali permanganat
+ Các muối sắt phosphat
+ Lưu huỳnh (dạng nguyên tố)
+ Lưu huỳnh dioxit
+ Chế phẩm từ nấm (ví dụ: Metarhizium annisoplea, Trichoderma harzanum, Beauveria bassiana)
+ Chế phẩm vi sinh (ví dụ: Bacillus thuringiensis, spinosad)
+ Phóng thích kí sinh trùng (ví dụ: ong mắt đỏ Trichogramma sp.), thiên địch (predator) (ví dụ: bọ rùa đỏ, dế nhảy, chuồn chuồn kim) và côn trùng bất dục
+ Chế phẩm từ virus [ví dụ: granulosis virus, nuclear polyhedrosis virus (NPV)...]
+ Xà phòng kali (xà phòng mềm)
+ Thuốc diệt loài gặm nhắm, có nguồn gốc tự nhiên
+ Các chế phẩm truyền thống (không chứa hóa chất tổng hợp) từ các sản phẩm thiên nhiên
+ Chế phẩm pheromon và các chất dẫn dụ. Lưu ý: Chỉ dùng trong các loại bẫy và ống đặc biệt (dispenser)
+ Các chế phẩm có thành phần metaldehyd chứa chất diệt sâu rệp, dùng cho các loài động vật bậc cao. Dùng trong các loại bẫy
- Chất điều hòa sinh trưởng:
+ Chế phẩm từ rong tảo, ví dụ: tảo lục Chlorella
+ Chế phẩm và dầu từ động vật, ví dụ: dịch chiết từ cá
+ Sáp ong
+ Các sản phẩm sữa, ví dụ: sữa, casein
+ Rong biển, bột rong biển, chất chiết từ rong biển
+ Gelatin
+ Lecithin
+ Chất chiết từ nấm, ví dụ: nấm hương
+ Propolis
+ Etylen, dùng để: Khử màu xanh của quả có múi (cam, quýt, bưởi...) để phòng ngừa ruồi giấm và làm chất tạo chồi cho dứa.
Là chất ức chế nảy mầm khoai tây và hành, ở nơi mà các giống không sẵn có đặc tính ngủ dài hoặc những giống không phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương.
Khi sử dụng etylen để làm chín quả (ví dụ: chuối), phải giảm thiểu việc tiếp xúc với con người.
+ Kali hydro cacbonat
- Chất xử lý hạt giống:
+ Tro gỗ
+ Đất sét (ví dụ: bentonit, perlit, vermiculit, zeolit)
+ Các muối silicat (ví dụ: natri silicat, khoáng thạch anh)
+ Cacbon dioxit
+ Nitơ
+ Etanol
- Chất điều hòa sinh trưởng và xử lý hạt giống: Bột khoáng (bột đá)
- Thuốc bảo vệ thực vật và xử lý hạt giống:
+ Côn trùng đực bất dục, dùng để chuyển các loại thuốc bảo vệ thực vật
+ Muối biển và nước muối
- Thuốc bảo vệ thực vật, điều hòa sinh trưởng và xử lý hạt giống:
+ Chế phẩm thảo mộc và chế phẩm sinh học
+ Soda
+ Côn trùng đực bất dục
+ Các chế phẩm homeopathic và ayurvedic
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.