Hội Tin học Việt Nam có tư cách pháp nhân không? Cơ cấu tổ chức của Hội bao gồm những cơ quan nào?
Hội Tin học Việt Nam có tư cách pháp nhân không?
Theo Điều 3 Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Tin học Việt Nam phê duyệt kèm theo Quyết định 435/QĐ-BNV năm 2012 quy định về nguyên tắc, phạm vi hoạt động và địa vị pháp lý như sau:
Nguyên tắc, phạm vi hoạt động và địa vị pháp lý
1. Hội Tin học Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chủ về tài chính; tuân thủ các quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Điều lệ Hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Hội hoạt động trên phạm vi cả nước, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành có liên quan theo quy định của pháp luật về lĩnh vực Hội hoạt động.
3. Hội có tư cách pháp nhân, có con dấu, biểu tượng, tài khoản và cơ quan ngôn luận riêng. Trụ sở chính của Hội đặt tại Hà Nội và có thể thành lập văn phòng đại diện tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật.
4. Hội Tin học Việt Nam là thành viên của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Theo quy định trên, Hội Tin học Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu, biểu tượng, tài khoản và cơ quan ngôn luận riêng.
Hội Tin học Việt Nam (Hình từ Internet)
Nhiệm vụ của Hội Tin học Việt Nam là gì?
Theo quy định tại Điều 4 Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Tin học Việt Nam phê duyệt kèm theo Quyết định 435/QĐ-BNV năm 2012 về nhiệm vụ của Hội như sau:
Nhiệm vụ của Hội
1. Tập hợp, động viên tinh thần tích cực và khả năng sáng tạo của hội viên nhằm thúc đẩy việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; sử dụng những thành tựu của công nghệ thông tin phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên trong hoạt động công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức và giúp đỡ hội viên trong các hoạt động liên kết kinh tế - khoa học và ứng dụng công nghệ thông tin, các loại hình sản xuất, dịch vụ công nghệ thông tin qua đó góp phần tạo thêm việc làm cho hội viên.
3. Tạo điều kiện cho hội viên nâng cao trình độ nghiệp vụ bằng nhiều hình thức khác nhau (như mở các lớp bồi dưỡng chuyên đề, các câu lạc bộ khoa học kỹ thuật về công nghệ thông tin, cấp học bổng tu nghiệp, tổ chức tham quan khảo sát ở trong nước và nước ngoài, trao tặng các giải thưởng công nghệ thông tin). Tạo điều kiện cho mọi hội viên công tác, học tập, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động kinh tế, sản xuất và đời sống theo quy định của pháp luật.
4. Xuất bản ấn phẩm các loại về công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật; tổ chức thông tin khoa học kỹ thuật về công nghệ thông tin; phổ biến rộng rãi kiến thức cơ bản, các thành tựu, công trình nghiên cứu và sáng chế, phát minh mới trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin cho hội vỉên và mọi người dân theo quy định của pháp luật.
5. Liên hệ với các hội và các tổ chức công nghệ thông tin ở nước ngoài để đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho hội viên gặp gỡ, trao đổi và hợp tác với các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở các nước và các tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật. Tập hợp, khuyến khích và động viên người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về công nghệ thông tin ở trong nước phù hợp với quy định của pháp luật.
6. Phối hợp với các cơ quan và các tổ chức quần chúng khác để kiến nghị, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về: Chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, phương hướng, kế hoạch và biện pháp tổ chức thực hiện, nội dung và chương trình giảng dạy công nghệ thông tin ở các cấp học, giới thiệu những hội viên có năng lực vào các tổ chức nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin của Nhà nước khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
7. Tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các dự án, công trình, đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin theo đề nghị và yêu cầu của cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội.
8. Tích cực tham gia các hoạt động của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và các tổ chức mà Hội là thành viên.
Theo đó, Hội Tin học Việt Nam có những nhiệm vụ được quy định tại Điều 4 nêu trên.
Cơ cấu tổ chức của Hội Tin học Việt Nam bao gồm những cơ quan nào?
Theo Điều 11 Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Tin học Việt Nam phê duyệt kèm theo Quyết định 435/QĐ-BNV năm 2012 quy định về cơ cấu tổ chức của Hội như sau:
Cơ cấu tổ chức của Hội
1. Đại hội đại biểu toàn quốc.
2. Ban Chấp hành.
3. Ban Thường vụ.
4. Ban Kiểm tra.
5. Các hội tin học thành viên.
6. Hội đồng Trung ương.
7. Các chi hội trực thuộc.
8. Các tổ chức có tư cách pháp nhân trực thuộc Hội.
Như vậy, cơ cấu tổ chức của Hội Tin học Việt Nam bao gồm những cơ quan được quy định tại Điều 11 nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.