Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam hoạt động trong những lĩnh vực nào? Hội có tư cách pháp nhân hay không?
Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam hoạt động trong những lĩnh vực nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) của Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam phê duyệt kèm theo Quyết định 24/QĐ-BNV năm 2010 quy định về tôn chỉ, mục đích như sau:
Tôn chỉ, mục đích
1. Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của những tổ chức, cá nhân (gọi tắt là hội viên) hoạt động trong lĩnh vực kinh tế đầu tư và xây dựng (đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu, tư vấn, quản lý và nghiệp vụ) trong phạm vi toàn quốc.
2. Mục đích của Hội là tập hợp lực lượng cán bộ khoa học, cán bộ quản lý, tư vấn, nghiệp vụ về kinh tế đầu tư và xây dựng; bồi dưỡng khuyến khích hội viên trau dồi, nâng cao kiến thức, trình độ nghề nghiệp, trao đổi thông tin và các thành tựu khoa học tiến bộ trong các lĩnh vực nói trên, khai thác tài năng, trí tuệ và năng lực nghiệp vụ chuyên sâu của hội viên để thực hiện chức năng: đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiên cứu, tư vấn, phản biện, giám định xã hội, nghiệp vụ về kinh tế trong đầu tư và xây dựng nhằm góp phần thúc đẩy ngành xây dựng Việt Nam phát triển theo đường lối chiến lược của Đảng và Nhà nước phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới.
Theo đó, Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực kinh tế đầu tư và xây dựng (đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu, tư vấn, quản lý và nghiệp vụ) trong phạm vi toàn quốc.
Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam (Hình từ Internet)
Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam có tư cách pháp nhân hay không?
Theo khoản 1 Điều 5 Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) của Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam phê duyệt kèm theo Quyết định 24/QĐ-BNV năm 2010 quy định về tư cách pháp nhân như sau:
Tư cách pháp nhân
1. Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, có cơ quan ngôn luận (báo, tạp chí, ấn phẩm), trang thông tin điện tử riêng. Hội chọn biểu tượng, được đăng ký bản quyền theo quy định của pháp luật.
2. Trụ sở của Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam đặt tại thành phố Hà Nội.
3. Hội có văn phòng đại diện tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước theo quy định của pháp luật.
Theo quy định trên, Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
Nhiệm vụ của Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam là gì?
Theo quy định tại Điều 6 Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) của Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam phê duyệt kèm theo Quyết định 24/QĐ-BNV năm 2010 về nhiệm vụ của Hội như sau:
Nhiệm vụ của Hội
1. Động viên, bồi dưỡng, khai thác năng lực sáng tạo của hội viên thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước hướng vào việc nghiên cứu, triển khai, tổng kết kinh nghiệm, áp dụng khoa học kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế, nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế - xã hội của vốn đầu tư, hiệu quả sản xuất kinh doanh và hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng.
2. Tiến hành công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức mới và nâng cao trình độ nghiên cứu, trình độ thực hành nghiệp vụ tư vấn và năng lực quản lý kinh tế trong đầu tư và xây dựng theo quy định của pháp luật. Khuyến khích và tạo điều kiện giúp đỡ hội viên có nhiều triển vọng phát triển, nhất là hội viên trẻ, nâng cao năng lực, tích lũy kinh nghiệm, phấn đấu trở thành những chuyên gia giỏi về nghiên cứu khoa học, tư vấn và quản lý kinh tế ngành.
3. Thực hiện chức năng tư vấn (đề xuất giải pháp, làm phản biện, đóng góp ý kiến, đánh giá hiệu quả kinh tế, tính khả thi các dự án, giám sát đánh giá đầu tư) về những chủ trương chính sách, pháp luật kinh tế, chỉ tiêu định mức kinh tế kỹ thuật trong đầu tư và xây dựng và về các dự án đầu tư - xây dựng của Nhà nước, của các tổ chức và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện chức năng hoạt động dịch vụ tư vấn trong: đầu tư xây dựng; kiến trúc, quy hoạch xây dựng; hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; phát triển đô thị; nhà ở và công sở; kinh doanh bất động sản; vật liệu xây dựng và các dịch vụ công theo quy định của pháp luật.
5. Trong khuôn khổ quy định của luật pháp Việt Nam, Điều lệ của Hội và Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội thiết lập các mối quan hệ đồng nghiệp với các tổ chức nghề nghiệp hoặc chuyên gia nước ngoài để trao đổi học thuật và kinh nghiệm quản lý kinh tế. Tổ chức việc hợp tác nghiên cứu và dịch vụ với nước ngoài và tranh thủ sự giúp đỡ tạo điều kiện, phương tiện cần thiết để phát huy vai trò của Hội trong tiến trình đổi mới quản lý kinh tế đầu tư và xây dựng theo hướng hội nhập với khu vực và thế giới theo quy định của pháp luật.
6. Thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của Hội là hội thành viên của Tổng hội Xây dựng Việt Nam.
Như vậy, Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam có những nhiệm vụ được quy định tại Điều 6 nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.