Xử lý thi hài người bệnh nhiễm vi rút Adeno tử vong ra sao? Dấu hiệu nào nhận biết người bệnh nhiễm vi rút Adeno đang ở tình trạng nguy kịch?
Vi rút Adeno có phải là một loại vi rút lây nhiễm không? Những triệu chứng ban đầu của bệnh ra sao?
Ngày 26/12/2022, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3451/QĐ-BYT năm 2022 về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh do vi rút Adeno ở trẻ em (sau đây gọi tắt là "Hướng dẫn").
Vi rút Adeno ở trẻ em được xác định tại Mục I Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 3451/QĐ-BYT năm 2022 là một loại vi rút gây bệnh ở người. Theo đó, vi rút Adeno lây truyền trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp trong phạm vi gần, hoặc gián tiếp qua tiếp xúc với dịch cơ thể có chứa vi rút.
Theo tiểu mục 2.1 Mục II Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 3451/QĐ-BYT năm 2022, người nhiễm vi rút Adeno có thể có các triệu chứng lâm sàng sau:
- Cấp tính và gây dịch: sốt cao, đau mắt đỏ kèm sưng và đau họng;
- Có sốt nhẹ, sưng hạch cổ 2 bên, đau mắt, sợ ánh sáng, nhìn mờ, phù mi mắt và tổ chức xung quanh hốc mắt, triệu chứng toàn thân ở mức trung bình hoặc nhẹ;
- Sốt cao đáp ứng kém với thuốc hạ sốt, ho, đau họng, sổ mũi, ngạt mũi và sưng hạch bạch huyết vùng cổ 2 bên;
- Sốt, nôn, đau bụng và tiêu chảy, có thể viêm đại tràng xuất huyết nhưng ít gặp;
- Tiểu khó, tiểu rắt, tiểu máu trong viêm bàng quang xuất huyết, rối loạn chức năng thận;
- Ngoài ra biểu hiện rất hiếm gặp như viêm mô ống thận hoại tử, suy thận, viêm não - màng não, viêm cơ tim, viêm gan cấp, viêm túi mật và viêm tụy cấp...
Như vậy, vi rút Adeno là một loại vi rút lây nhiễm bệnh ở người, người nhiễm vi rút Adeno sẽ có các triệu chứng ban đầu như trên.
Xử lý thi hài người bệnh nhiễm vi rút Adeno tử vong ra sao? Dựa vào đâu để nhận biết người bệnh nhiễm vi rút Adeno đang ở tình trạng nguy kịch? (Hình từ Internet)
Ai có nguy cơ diễn biến nặng khi nhiễm vi rút Adeno? Dấu hiệu khi bệnh ở mức độ nặng đến nguy cấp là gì?
Căn cứ tiểu mục 2.3 Mục II Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 3451/QĐ-BYT năm 2022, những người có các yếu sau đây sẽ có khả năng diễn biến nặng khi nhiễm vi rút Adeno:
- Trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng.
- Loạn sản phế quản phổi và các bệnh lý phổi mạn tính khác.
- Các bệnh lý suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải.
- Các bệnh lý về nhiễm sắc thể, gen và rối loạn chuyển hoá.
- Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi...).
- Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu.
- Bệnh tim mạch (tim bẩm sinh, suy tim, tăng áp phổi, bệnh cơ tim).
- Bệnh lý thần kinh, thần kinh cơ: Bại não, thoái hóa cơ tủy.
- Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, sau cắt lách, teo lách.
- Đang điều trị bằng thuốc corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác.
- Bệnh thận mạn tính, xơ gan.
Nếu có một trong các yếu tố trên thì người nhiễm vi rút Adeno có thể trở nặng theo các mức độ bệnh: Nhẹ - Trung bình - Nặng - Nguy kịch.
Về các dấu hiệu để chẩn đoán mức độ nguy kịch khi nhiễm vi rút Adeno, khoản 3.3.4 tiểu mục 3.3. Mục III Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 3451/QĐ-BYT năm 2022 xác định như sau:
- Suy hô hấp nặng SpO2 < 90% khi thở khí trời, cần đặt NKQ thông khí xâm nhập.
- Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS).
- Huyết áp tụt, sốc, sốc nhiễm trùng, lactat máu > 2 mmol/L.
- Suy đa tạng.
- Cơn bão cytokin
- Dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng:
+ Tím trung tâm;
+ Thở bất thường, rối loạn nhịp thở;
+ Thần kinh: ý thức giảm khó đánh thức hoặc hôn mê;
+ Trẻ bỏ bú/ăn hoặc không uống được.
Như vậy, khi tình trạng bệnh do vi rút Adeno trở nên nguy kịch, người bệnh sẽ có một trong những dấu hiệu trên.
Xử lý thi hài người bệnh nhiễm vi rút Adeno tử vong ra sao?
Vấn đề xử lý thi hài người bệnh nhiễm vi rút Adeno tử vong được quy định tại khoản 6.2.7 tiểu mục 6.2 Mục VI Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 3451/QĐ-BYT năm 2022.
Cụ thể như sau:
- Cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm:
+ Giải thích cho người nhà NB về nguy cơ lây nhiễm;
+ Hướng dẫn các quy định và biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cần áp dụng.
- Vệ sinh các bề mặt liên quan đến thi hài người bệnh bằng dung dịch Clo hoạt tính 0,2 - 0,5% để khử khuẩn.
- Thi hài cần chuyển xuống nơi lưu giữ, nhà đại thể càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, khoản 6.2.6 tiểu mục 6.2 Mục VI Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 3451/QĐ-BYT năm 2022 có đề cập như sau:
- Nhân viên Y tế đội mũ, đeo khẩu trang y tế, mang găng sạch (nếu có chỉ định) trong các thao tác chăm sóc, điều trị; thực hiện vệ sinh tay trước và sau khi rời khỏi khu vực cách ly.
- Trong trường hợp NVYT phải làm việc ở các khu vực khác nhau thì cần mang tạp dề/áo choàng khi vào khu vực cách ly; đảm bảo nguyên tắc làm việc từ khu vực ít nguy cơ đến khu vực nguy cơ cao để hạn chế lan truyền tác nhân gây bệnh.
- Mang đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân: găng tay, khẩu trang, tạp dề, ủng... khi thu gom chất thải.
- Mang phương tiện phòng hộ cá nhân khi thực hiện xử lý thi hài người bệnh nhiễm vi rút adeno.
- Phương tiện phòng hộ sử dụng trong phòng cách ly phải được tháo bỏ, thu gom như chất thải lây nhiễm trước khi ra khỏi phòng cách ly.
Như vậy, khi có người bệnh nhiễm vi rút Adeno tử vong, cơ sở khám, chữa bệnh nơi điều trị, chăm sóc người bệnh có trách nhiệm thực hiện các công việc xử lý theo quy định.
Trong quá trình xử lý thi hài người tử vong, nhân viên y tế cần phải mang đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân gồm mủ, khẩu trang, áo choàng, găng tay, kính, mạng che mặt, ủng, bao che dày, mặt nạ…
Xem chi tiết tại Quyết định 3451/QĐ-BYT năm 2022.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.