Từ 16/01/2023, thuốc bảo vệ thực vật nào được phép sử dụng tại Việt Nam? Chất lượng thuốc bảo vệ thực vật dựa trên những tiêu chuẩn nào?
- Thuốc bảo vệ thực vật là gì? Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thực hiện như thế nào?
- Chất lượng thuốc bảo vệ thực vật dựa trên những tiêu chuẩn nào?
- Trường hợp nào không được đăng ký vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tại Việt Nam?
- Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tại Việt Nam từ 16/01/2023 gồm những nội dung gì?
Thuốc bảo vệ thực vật là gì? Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thực hiện như thế nào?
Căn cứ tại khoản 16 Điều 3 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013, khái niệm thuốc bảo vệ thực vật được định nghĩa như sau:
Giải thích từ ngữ
...
16. Thuốc bảo vệ thực vật là chất hoặc hỗn hợp các chất hoặc chế phẩm vi sinh vật có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn, xua đuổi, dẫn dụ, tiêu diệt hoặc kiểm soát sinh vật gây hại thực vật; điều hòa sinh trưởng thực vật hoặc côn trùng; bảo quản thực vật; làm tăng độ an toàn, hiệu quả khi sử dụng thuốc.
Theo khoản 3 Điều 4 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện theo nguyên tắc bốn đúng bao gồm:
- Đúng thuốc;
- Đúng lúc;
- Đúng liều lượng và nồng độ;
- Đúng cách.
Người sử dụng thuốc bảo vệ thực phẩm phải tuân thủ thời gian cách ly, bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái.
Từ 16/01/2023, thuốc bảo vệ thực vật nào được phép sử dụng tại Việt Nam? Chất lượng thuốc bảo vệ thực vật dựa trên những tiêu chuẩn nào? (Ảnh từ Internet)
Chất lượng thuốc bảo vệ thực vật dựa trên những tiêu chuẩn nào?
Dựa vào Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-188:2018/BNNPTNT về Chất lượng thuốc bảo vệ thực vật ban hành kèm theo Thông tư 12/2018/TT-BNNPTNT, chất lượng thuốc bảo vệ thực vật được xác định dựa trên những yếu tố sau:
- Yêu cầu về hàm lượng hoạt chất
- Các chỉ tiêu về tính chất lý - hóa bao gồm:
+ Yêu cầu kỹ thuật đối với các chỉ tiêu lý hóa: Độ mịn, Độ mịn thử rây khô, Độ mịn thử rây ướt, Độ bọt, Độ thấm ướt, Kích thước hạt, Độ bụi, Độ phân tán và độ tự phân tán, Tỷ suất lơ lửng, Độ bền phân tán, Độ bền nhũ tương, Độ hòa tan và độ bền dung dịch, Độ bền pha loãng, Độ bền bảo quản ở 0°C, Độ bền bảo quản ở nhiệt độ cao, Ngoại quan;
+ Yêu cầu về tạp chất độc hại.
- Yêu cầu kỹ thuật cho các dạng thuốc, gồm: Yêu cầu kỹ thuật cho thuốc hóa học và Yêu cầu kỹ thuật cho thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Trường hợp nào không được đăng ký vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tại Việt Nam?
Khoản 1 Điều 49 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 xác định các loại thuốc bảo vệ thực vật không được đăng ký Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tại Việt Nam như sau:
Thuốc bảo vệ thực vật không được đăng ký hoặc bị loại khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam
1. Thuốc bảo vệ thực vật không được đăng ký vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam bao gồm:
a) Thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam;
b) Thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ cao ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường;
c) Thuốc thành phẩm hoặc hoạt chất trong thuốc thành phẩm có độc cấp tính loại I, II theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS), trừ thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật dùng để xông hơi khử trùng, thuốc trừ chuột; thuốc trừ mối gây hại công trình xây dựng, đê điều; thuốc bảo quản lâm sản mà lâm sản đó không dùng làm thực phẩm và dược liệu;
d) Thuốc bảo vệ thực vật trùng tên thương phẩm với thuốc bảo vệ thực vật khác có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất methyl bromide.
Như vậy, những loại thuốc bảo vệ thực vật thuộc 01 trong 05 trường hợp nêu trên thì không được đăng ký vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tại Việt Nam từ 16/01/2023 gồm những nội dung gì?
Ngày 02/12/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 19/2022/TT-BNNPTNT về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam.
Theo đó, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam được quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 19/2022/TT-BNNPTNT như sau:
Ban hành kèm theo Thông tư này
1. Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, Phụ lục I kèm theo Thông tư này, gồm:
a) Thuốc sử dụng trong nông nghiệp:
- Thuốc trừ sâu: 689 hoạt chất với 1670 tên thương phẩm.
- Thuốc trừ bệnh: 651 hoạt chất với 1492 tên thương phẩm.
- Thuốc trừ cỏ: 256 hoạt chất với 765 tên thương phẩm.
- Thuốc trừ chuột: 8 hoạt chất với 37 tên thương phẩm.
- Thuốc điều hoà sinh trưởng: 58 hoạt chất với 172 tên thương phẩm.
- Chất dẫn dụ côn trùng: 8 hoạt chất với 8 tên thương phẩm.
- Thuốc trừ ốc: 31 hoạt chất với 152 tên thương phẩm.
- Chất hỗ trợ (chất trải): 5 hoạt chất với 6 tên thương phẩm.
b) Thuốc trừ mối: 14 hoạt chất với 21 tên thương phẩm.
c) Thuốc bảo quản lâm sản: 7 hoạt chất với 8 tên thương phẩm.
d) Thuốc khử trùng kho: 3 hoạt chất với 9 tên thương phẩm.
đ) Thuốc sử dụng cho sân golf:
- Thuốc trừ bệnh: 2 hoạt chất với 2 tên thương phẩm.
- Thuốc trừ cỏ: 1 hoạt chất với 1 tên thương phẩm.
- Thuốc điều hoà sinh trưởng: 1 hoạt chất với 1 tên thương phẩm.
e) Thuốc xử lý hạt giống:
- Thuốc trừ sâu: 10 hoạt chất với 16 tên thương phẩm.
- Thuốc trừ bệnh: 13 hoạt chất với 13 tên thương phẩm.
g) Thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch
- 01 hoạt chất với 01 tên thương phẩm.
Xem chi tiết tại Thông tư 19/2022/TT-BNNPTNT có hiệu lực chính thức kể từ ngày 16/01/2023.
Kể từ ngày có hiệu lực, Thông tư 19/2022/TT-BNNPTNT sẽ thay thế Thông tư 19/2021/TT-BNNPTNT ngày 28/12/2021 về việc ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.