Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8710-27:2023 về đặc điểm dịch tễ bệnh do vi rút Tilapia lake ở cá rô phi ra sao?
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8710-27:2023 về đặc điểm dịch tễ bệnh do vi rút Tilapia lake ở cá rô phi ra sao?
Tại tiểu mục 5.1 Mục 5 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8710-27:2023 quy định về đặc điểm dịch tễ bệnh do vi rút Tilapia lake TiLV ở cá rô phi như sau:
- Loài nhiễm: TiLV gây bệnh ở cá rô nuôi bao gồm: Cá rô phi vằn (Nile tilapia, Oreochromis niloticus), cá rô phi lai tạo (O. niloticus × O. aureus hybrids) và cá rô phi đỏ/cá điêu hồng (Oreochromis sp). Các loài cá rô phi hoang dã như cá rô phi xanh (Oreochromis aureus), cá rô phi Mango (Sarotherodon galilaeus) và một số loài khác cũng mẫn cảm với vi rút này. Tất cả các giai đoạn sống của cá rô phi, trứng đã thụ tinh, ấu trùng túi noãn hoàng, cá bột, cá giống và cá trưởng thành đều dễ bị nhiễm TiLV và cá nhỏ dễ bị nhiễm TiLV hơn cá lớn.
- Vi rút lây truyền theo chiều ngang như từ cá bệnh sang cá khỏe trong cùng lồng/ao nuôi, từ nguồn nước, dụng cụ nuôi, dụng cụ cho ăn, dịch nhớt, phân của cá bệnh sang cá khỏe trong ao.
- Mầm bệnh có thể tồn tại ở nhớt cá, gan và ruột cá trong vòng hai tuần, vì vậy khi có cá bị nhiễm TiLV thì khả năng lây lan trong quần đàn là rất lớn, đặc biệt với các mô hình nuôi cá rô phi với mật độ cao.
- Bệnh do TiLV thường xảy ra ở khoảng nhiệt độ từ 20 °C đến 30 °C và khi có hiện tượng sốc môi trường như nhiệt độ, độ mặn.
- Tỷ lệ chết tùy thuộc vào giai đoạn phát triển và giống cá rô phi, tỷ lệ chết dao động 9,2 % đến 90 % đã được ghi nhận ở các nước Ai Cập, Israel, Thái Lan và Ecuador, bệnh do TiLV xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu tập trung ở cá giống.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8710-27:2023 về đặc điểm dịch tễ bệnh do vi rút Tilapia lake ở cá rô phi ra sao? (Hình ảnh Internet)
Triệu chứng lâm sàng và dấu hiệu bệnh tích do vi rút Tilapia lake ở cá rô phi thế nào?
Tại tiểu mục 5.2 Mục 5 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8710-27:2023 quy định về triệu chứng lâm sàng và dấu hiệu bệnh tích bệnh do vi rút Tilapia lake TiLV ở cá rô phi như sau:
- Cá mắc bệnh có biểu hiện bỏ ăn, màu sắc cơ thể biến đổi như da cá sẫm màu hơn;
- Cá bơi lờ đờ, ngừng kéo đàn, hôn mê trước khi chết.
- Da cá bị ăn mòn lở loét từ dạng điểm đến mảng; mắt bị teo hoặc lồi ra, có hiện tượng đục thủy tinh thể; vẩy dựng lên, bong tróc, hậu môn phình to và đuôi bị ăn mòn.
- Mang và gan cá nhợt nhạt, xuất huyết da, xoang bụng và hậu môn phình to có chứa nhiều dịch, não có hiện tượng xung huyết, xuất huyết. Bụng chướng và có nhiều dịch lỏng bên trong.
Phương pháp Semi nested RT - PCR chẩn đoán trong phòng thí nghiệm bệnh do vi rút TiLV ở cá rô phi ra sao?
Tại tiểu mục 6.5 Mục 6 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8710-27:2023 quy định về phương pháp Semi nested RT - PCR chẩn đoán trong phòng thí nghiệm bệnh do vi rút TiLV ở cá rô phi như sau:
(1) Chuẩn bị mồi
Phản ứng khuếch đại được thực hiện trong máy nhân gen PCR (4.12) theo phương pháp Semi nested RT - PCR khuếch đại đoạn gen đặc hiệu của vi rút TiLV sử dụng cặp mồi EXT-1/ ME1 và ME2/ ME1 (3.3) (xem phụ lục C, bảng C1).
- Mồi ở trạng thái đông khô phải được ly tâm nhanh bằng máy ly tâm (4.6) trong 30 s để mồi lắng xuống đáy ống trước khi mở và hoàn nguyên. Dùng dung dịch đệm TE (3.15) để hoàn nguyên mồi ở nồng độ 100 μM làm gốc.
- Mồi được sử dụng ở nồng độ 10 μM: pha loãng mồi gốc bằng nước tinh khiết không có nuclease (3.10) (10 μl mồi gốc và 90 μl nước tinh khiết không có nuclease).
(2) Tiến hành phản ứng Semi Nested RT - PCR
Phương pháp Semi nested RT- PCR bao gồm 2 giai đoạn (hoặc 2 bước): Giai đoạn 1 (bước 1), thực hiện phản ứng RT - PCR sử dụng cặp mồi EXT-1/ ME1; Giai đoạn 2 (bước 2), thực hiện phản ứng Semi nested RT - PCR sử dụng cặp mồi ME2/ ME1 (3.3), (xem phụ lục C)
(3) Điện di
(i) Chuẩn bị bản thạch
- Pha thạch với nồng độ agarose (3.11) từ 1,5 % đến 2 % bằng dung dịch đệm TBE 1X hoặc TAE 1X (3.12) vào chai thủy tinh 250 ml, lắc đều rồi đun sôi;
- Khi nhiệt độ giảm xuống khoảng 40 °C đến 50 °C thì bổ sung 10 μl chất nhuộm màu (3.13) vào mỗi 100 ml thạch. Lắc nhẹ tránh tạo bọt để chất nhuộm màu tan đều.
- Tiến hành đổ thạch vào khay điện di đã được cài lược; không nên đổ bản thạch dày quá 0,8 cm.
- Khi bản thạch đông lại thì tiến hành gỡ lược khỏi bản thạch.
- Chuyển bản thạch vào bể điện di (4.2.7), đổ dung dịch đệm (TBE 1X hoặc TAE 1X) cùng loại với dung dịch pha agarose đã đun vào bể điện di cho tới khi ngập bản thạch.
CHÚ THÍCH: Có thể dùng các sản phẩm có sản chất nhuộm ADN để pha chế thạch agarose (VÍ DỤ: Sybr safe DNA gel stain và sử dụng theo quy định của nhà sản xuất)2).
(ii) Chạy điện di
- Hút 2 μl chất đệm tải mẫu (Loading dye 6X) (3.14) vào 8 μl sản phẩm PCR trộn đều và cho vào các giếng trên bản thạch. Thực hiện điện di trong bộ điện di, chạy kèm theo thang chuẩn ADN (3.9) để so sánh kích thước sản phẩm khuếch đại. Hút 10 μl thang chuẩn ADN (3.9) vào một giếng trên bản thạch.
- Điện di ở hiệu điện thế 100 V trong thời gian 30 min.
(iii) Đọc kết quả
Sau khi điện di, đọc kết quả trên máy đọc sản phẩm PCR (4.15).
Điều kiện của phản ứng được công nhận khi:
- Đối chứng âm không có vạch sáng (không có sản phẩm khuếch đại);
- Đối chứng dương có vạch sáng kích thước 415 bp và 250 bp so với thang chuẩn (Có thể có vạch sản phẩm phụ, không đặc hiệu, kích thước khoảng 800 bp hoặc 300 bp).
- Thang chuẩn ADN sáng và chia vạch rõ ràng
Với điều kiện phản ứng trên:
Mẫu xét nghiệm âm tính khi:
- Tại giếng của mẫu thử không xuất hiện vạch sáng (không có sản phẩm khuếch đại);
Mẫu xét nghiệm dương tính khi:
- Tại giếng của mẫu thử có xuất hiện vạch sáng kích thước 415 bp và 250 bp (Có thể có vạch sản phẩm phụ, không đặc hiệu, kích thước khoảng 800 bp hoặc 300 bp) hoặc chỉ có vạch sáng 250 bp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.