Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu có tăng trở lại? Tại sao khoản thuế xăng dầu giảm rồi lại tăng?
Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu có tăng trở lại?
Từ đầu năm 2022 giá xăng dầu trong nước đã liên tục leo thang, gây nên nhiều biến động trong xã hội. Trước thực tế đó, nhằm ổn định giá xăng dầu kịp thời, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch. Đồng thời hướng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp và người dân, giải pháp tạm thời giảm thuế xăng dầu đã được đưa ra.
Theo đó, từ tháng 4 năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 18/2022/UBTVQH15 về việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Cụ thể mức thuế áp dụng đối với xăng là 2000đ/lít, dầu là 1000đ/lít.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 6 năm 2022, giá xăng tiếp tục tăng đạt đỉnh gần 33000đ/lít. Trước thực tế này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 20/2022/UBTVQH15 tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí giảm thuế BVMT về mức sàn trong Biểu khung thuế suất như đề nghị của Chính phủ.
Cụ thể, căn cứ Điều 1 Nghị quyết 20/2022/UBTVQH15 mức thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với giá xăng dầu từ ngày 11/7/2022 là:
- Xăng (trừ etanol) còn 1.000 đồng/lít;
- Nhiên liệu bay còn 1.000 đồng/lít;
- Dầu diesel còn 500 đồng/lít;
- Dầu hỏa vẫn giữ 300 đồng/lít;
- Dầu mazut còn 300 đồng/lít;
- Dầu nhờn còn 300 đồng/lít;
- Mỡ nhờn còn 300 đồng/kg.
Tuy nhiên, căn cứ khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 20/2022/UBTVQH15, Nghị quyết này chỉ có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2022. Tức là mức thuế bảo vệ môi trường hiện nay chỉ được áp dụng tạm thời đến hết ngày 31/12/2022. Đồng thời từ ngày 1/1/2023 sẽ tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu như quy định về mức thuế tại Điều 1 Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14:
- Xăng (trừ etanol): 4.000 đồng/lít;
- Nhiên liệu bay: 3.000 đồng/lít;
- Dầu diesel: 200 đồng/lít;
- Dầu hỏa: 1000 đồng/lít;
- Dầu mazut: 2000 đồng/lít;
- Dầu nhờn: 2000 đồng/lít;
- Mỡ nhờn: 2000 đồng/kg.
Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu có tăng trở lại? Tại sao khoản thuế xăng dầu giảm rồi lại tăng?(Hình từ Internet)
Thẩm quyền quyết định mức thuế bảo vệ môi trường thuộc về cơ quan nào?
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Thuế Bảo vệ môi trường 2010:
Biểu khung thuế
2. Căn cứ vào Biểu khung thuế quy định tại Khoản 1 Điều này, Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hóa chịu thuế bảo đảm các nguyên tắc sau:
a) Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ;
b) Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa.
Như vậy, mức thuế bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên mức thuế này phải căn cứ vào mức thuế tối thiểu và tối đa tại khung thuế bảo vệ môi trường, được Quốc hội ban hành trong Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010.
So sánh với thẩm quyền quyết định về căn cứ tính thuế của các loại thuế suất khác như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt,... thì các quy định về thuế suất đều được Quốc hội quy định cụ thể trong các văn bản Luật mà không giao cho Ủy ban Thường vụ điều chỉnh theo từng thời kỳ.
Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến thắc mắc tại sao lại giảm thuế bảo vệ môi trường mà không giảm các loại thuế khác đối với xăng dầu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu. Việc này xuất phát từ quy định về thẩm quyền quyết định mức thuế, thuế suất các loại thuế theo quy định của pháp luật. Việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là nhanh chóng, dễ thực hiện hơn do thẩm quyền được giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức thuế theo từng thời kỳ.
Còn đối với quy định về thuế suất của các loại thuế khác thuộc thẩm quyền quyết định, điều chỉnh của Quốc Hội. Do đó có thể phải đợi đến kỳ họp tiếp theo của Quốc hội để đưa ra đề xuất giảm các loại thuế khác đối với xăng dầu. Trình tự, thủ tục điều chỉnh các loại thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biêt,... được diễn ra phức tạp và kéo dài thời gian hơn, do đó không đáp ứng điều kiện về sự nhanh chóng, kịp thời điều chỉnh giá xăng dầu, ổn định kinh tế và tình trạng lạm phát.
Tại sao khoản thuế đối với xăng dầu này giảm rồi lại tăng?
Như đã đề cập đến, mức thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với xăng dầu có sự giảm xuống và tăng lên lại vào đầu năm 2023.
Lý giải việc này, trước hết là về lý do biến động của giá xăng dầu thô thế giới và tại Việt Nam, giải pháp tác động đến giá xăng dầu bằng việc giảm thuế bảo vệ môi trường chỉ là tạm thời do yêu cầu cấp bách, nhanh chóng ổn định kinh tế.
Xét về bản chất, thuế bảo vệ môi trường được định nghĩa tại khoản 1 Điều 2 Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010 như sau:
Giải thích từ ngữ
1.Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi chung là hàng hóa) khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.
Đồng thời về nguyên tắc quyết định mức thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải căn cứ vào hai yếu tố tại khoản 2 Điều 8 Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010: Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ và mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa.
Như vậy, dựa vào bản chất và hai nguyên tắc này của thuế bảo vệ môi trường, Ủy ban thường vụ sẽ quyết định mức thuế theo từng thời kỳ mà trong đó phải xem xét đến yếu tố quan trọng là về mức độ gây tác động đến môi trường của hàng hóa. Có thể thấy, do xăng dầu là mặt hàng gây ô nhiễm môi trường và phổ biến nên khi mục tiêu về ổn định chính sách phát triển kinh tế đã đạt được, mức thuế bảo vệ môi trường cần được phục hồi về mức cũ.
Về lâu dài, giảm thuế bảo vệ môi trường không là giải pháp thích hợp do mức thuế hiện nay đang được áp dụng đã ở mức thuế tối thiểu. Mức điều chỉnh giá xăng dầu thông qua thuế bảo vệ môi trường cũng có khả năng làm giảm đi vai trò, mục tiêu bảo vệ môi trường, hạn chế tiêu thụ các loại hàng hóa gây tác động đến môi trường như xăng dầu. Do đó, xét thấy giải pháp giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu chỉ có thể là giải pháp tạm thời để giảm giá xăng dầu, nhằm kịp thời ổn định kinh tế, xã hội.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.