Thủ tục khen thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho cá nhân, tập thể theo công trạng cấp trung ương như thế nào?
- Yêu cầu, điều kiện để được nhận "Huân Chương Độc lập" hạng Nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như thế nào?
- Trình tự thực hiện thủ tục hành chính khen thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho cá nhân, tập thể theo công trạng cấp trung ương như thế nào?
- Thành phần, số lượng hồ sơ để đề nghị được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất được quy định như thế nào?
Yêu cầu, điều kiện để được nhận "Huân Chương Độc lập" hạng Nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như thế nào?
Căn cứ tại Điều 36 Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 thì yêu cầu, điều kiện để được nhận "Huân Chương Độc lập" hạng Nhất gồm có như sau:
(1) Đối với cá nhân:
“Huân chương Độc lập” hạng Nhất để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
- Có quá trình cống hiến lâu dài trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Có thành tích đặc biệt xuất sắc, có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương trong toàn quốc thuộc một trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, đối ngoại hoặc lĩnh vực khác.
(2) Đối với Bộ, ban, ngành, tỉnh, cơ quan của Quốc hội:
“Huân chương Độc lập” hạng Nhất để tặng cho Bộ, ban, ngành, tỉnh, cơ quan của Quốc hội nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập năm tròn và đạt các tiêu chuẩn sau đây:
- Đã được tặng “Huân chương Độc lập” hạng Nhì;
- Lập được thành tích đặc biệt xuất sắc, có bề dày truyền thống, có công lao to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; nội bộ đoàn kết; tổ chức đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh.
(3) Đối với tập thể:
“Huân chương Độc lập” hạng Nhất để tặng cho tập thể không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 và đạt các tiêu chuẩn sau đây:
- Đã được tặng “Huân chương Độc lập” hạng Nhì và sau đó có liên tục từ 10 năm trở lên đến thời điểm đề nghị được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, trong thời gian đó có 03 lần được tặng “Cờ thi đua của Chính phủ” và 01 lần được tặng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” hoặc có 03 lần được tặng “Cờ thi đua của Chính phủ” và 02 lần được tặng cờ thi đua của Bộ, ban, ngành, tỉnh;
- Nội bộ đoàn kết; tổ chức đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh.
(5) Đối với cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài:
“Huân chương Độc lập” hạng Nhất để tặng cho cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp, phong tục, tập quán tốt đẹp của Việt Nam và có thành tích đặc biệt xuất sắc đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Bộ, ban, ngành, tỉnh công nhận và đề nghị.
Yêu cầu, điều kiện để được nhận Huân Chương Độc lập hạng Nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như thế nào? (Hình từ Internet)
Trình tự thực hiện thủ tục hành chính khen thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho cá nhân, tập thể theo công trạng cấp trung ương như thế nào?
Căn cứ tại tiểu mục 1 Mục III Chương A Phần II Quyết định 1099/QĐ-BNV 2023 quy định trình tự thủ tục khen thưởng "Huân chương Độc lập" hạng Nhất cho cá nhân, tập thể theo công trạng được thực hiện theo các bước như sau:
- Bước 1: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng các ban của Đảng và tương đương ở trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp có tổ chức đảng đoàn hoặc có tổ chức đảng thuộc Đảng bộ khối các cơ quan trung ương, Giám đốc đại học quốc gia, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có tờ trình, trình Thủ tướng Chính phủ xét, đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng "Huân chương Độc lập".
- Bước 2: Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) xem xét hồ sơ và đề nghị bổ sung trong trường hợp cần thiết; sau đó tiến hành làm các thủ tục theo quy định.
- Bước 3: Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thẩm định hồ sơ, trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ để trình Thủ tướng Chính phủ xét, đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương.
- Bước 4: Thủ tướng Chính phủ xét, đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương hoặc Thủ tướng Chính phủ xét, không đề nghị tặng thưởng Huân chương.
Thành phần, số lượng hồ sơ để đề nghị được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất được quy định như thế nào?
Căn cứ tại tiểu mục 3 Mục III Chương A Phần II Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 1099/QĐ-BNV 2023 quy định thành phần, số lượng hồ sơ để đề nghị được nhận "Huân chương Độc lập" hạng Nhất cho cá nhân, tập thể theo công trạng gồm có như sau:
(1) Thành phần hồ sơ:
- Tờ trình của bộ, ban, ngành, tỉnh;
- Báo cáo thành tích của các trường hợp đề nghị khen thưởng có xác nhận của cấp trình Thủ tướng Chính phủ;
- Biên bản xét khen thưởng của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ, ban, ngành, tỉnh;
Đối với cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài: Thành phần hồ sơ gồm có: Tờ trình kèm theo danh sách của bộ, ban, ngành, tỉnh và báo cáo thành tích cá nhân, tập thể do cơ quan trình khen thưởng thực hiện.
(2) Số lượng hồ sơ:
Số lượng hồ sơ gửi Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương): 01 bộ (bản chính) và các tệp tin điện tử (file word và file pdf) của hồ sơ đến Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) qua phần mềm “Hệ thống quản lý hồ sơ khen thưởng điện tử Ngành Thi đua - Khen thưởng”, trừ hồ sơ khen thưởng có nội dung bí mật nhà nước.
Hồ sơ Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ gồm: Tờ trình của Bộ Nội vụ kèm theo danh sách đề nghị khen thưởng và các tệp tin điện tử của hồ sơ khen thưởng (trừ hồ sơ khen thưởng có nội dung bí mật nhà nước).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.