Thủ tục dự thi cho thí sinh dự kiểm định chất lượng đầu vào công chức theo Thông tư 17/2023/TT-BNV ra sao?
Thủ tục dự thi cho thí sinh dự kiểm định chất lượng đầu vào công chức theo Thông tư 17/2023/TT-BNV ra sao?
Căn cứ Thông tư 17/2023/TT-BNV Ban hành Nội quy và Quy chế tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành.
Tại Điều 31 Nội quy và Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 17/2023/TT-BNV có nêu thủ tục dự thi cho thí sinh dự kiểm định chất lượng đầu vào công chức như sau:
- Trước ngày tổ chức thi chính thức 01 ngày, Ban thư ký của Hội đồng kiểm định tổ chức hướng dẫn làm thủ tục dự thi cho thí sinh nhằm kiểm tra tính hợp pháp, chính xác của thông tin thí sinh dự thi trong danh sách dự thi và giải đáp thắc mắc cho thí sinh.
- Khi làm thủ tục dự thi cho thí sinh, Ban thư ký của Hội đồng kiểm định: thực hiện đầy đủ các nội dung, các bước trong hướng dẫn; kiểm tra và xác minh nhân thân của thí sinh, hướng dẫn làm thủ tục đề nghị sửa chữa thông tin, hướng dẫn thí sinh làm quen với phần mềm tổ chức thi (nếu có).
- Tư trang của thí sinh (nếu có) không thuộc danh mục vật dụng được mang vào phòng thi phải để cách xa khu vực phòng thi tối thiểu 25 mét.
- Ban coi thi có thể sử dụng các thiết bị dò kim loại, trang thiết bị thu phát truyền tin để kiểm tra an ninh trước khi thí sinh vào khu vực thi.
- Trường hợp phát sinh tình huống không thuộc thẩm quyền quyết định, Trưởng điểm thi xin ý kiến Trưởng ban coi thi trước khi thực hiện.
Thủ tục dự thi cho thí sinh dự kiểm định chất lượng đầu vào công chức theo Thông tư 17/2023/TT-BNV? (Hình từ Internet)
Thời gian tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức hàng năm ra sao?
Căn cứ quy định tại Điều 4 Nghị định 06/2023/NĐ-CP như sau:
Tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức
1. Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
2. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được tổ chức định kỳ 02 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm.
3. Trước ngày 31 tháng 01 hằng năm, Bộ Nội vụ công bố kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
4. Trường hợp các cơ quan tuyển dụng công chức có nhu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức thì xây dựng kế hoạch, thông báo theo quy định tại Điều 7 Nghị định này và tiếp nhận Phiếu đăng ký dự kiểm định tại Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý; lập danh sách thí sinh gửi Bộ Nội vụ để tổ chức kiểm định. Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày nhận được danh sách, Bộ Nội vụ tiến hành tổ chức kiểm định.
Như vậy, theo quy định thì việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được tổ chức định kỳ 02 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm.
Bộ Nội vụ công bố kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức trước 31/01 hàng năm.
Nội quy kiểm định chất lượng đầu vào công chức đối với thí sinh dự thi ra sao?
Đối với thí sinh dự thi kiểm định chất lượng đầu vào công chức, nội quy được quy định cụ thể tại Điều 4 Nội quy và Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 17/2023/TT-BNV.
Cụ thể như sau:
Quy định đối với thí sinh
1. Phải có mặt tại phòng thi đúng giờ quy định. Trang phục gọn gàng, văn minh, lịch sự. Trường hợp thí sinh dự thi đến muộn quá 10 phút kể từ thời điểm bắt đầu tính giờ làm bài thi thì không được dự thi. Trường hợp thí sinh gặp sự cố bất khả kháng đến quá giờ thi, Trưởng điểm thi phải báo cáo ngay cho Trưởng ban coi thi xem xét, quyết định cho thí sinh thi lại ca sau hoặc thi lại đợt thi khác.
2. Xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân hợp pháp khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng; giấy xác nhận đăng ký dự thi để giám thị đối chiếu trước khi vào phòng thi.
3. Ngồi đúng chỗ theo số báo danh, để Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc một trong các loại giấy tờ tùy thân hợp pháp khác có dán ảnh và giấy xác nhận đăng ký dự thi trên mặt bàn để các giám thị phòng thi và các thành viên Hội đồng kiểm định kiểm tra.
4. Chỉ được mang vào phòng thi bút viết và một số loại thuốc mà thí sinh dự thi có bệnh án phải mang theo; không được mang vào phòng thi các loại túi xách, điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính, các phương tiện kỹ thuật thu, phát truyền tin, phương tiện sao lưu dữ liệu, thiết bị chứa đựng, truyền tải thông tin khác và các loại giấy tờ, tài liệu có liên quan đến nội dung thi.
5. Tuân thủ mọi hướng dẫn của giám thị phòng thi; giữ trật tự và không được hút thuốc hoặc sử dụng chất kích thích, các loại thức ăn, đồ uống có cồn trong phòng thi.
6. Không được trao đổi với người khác trong thời gian thi, không được trao đổi giấy nháp, không được nhìn bài thi của thí sinh khác hoặc có bất kỳ một hành động gian lận nào khác. Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép, truyền tải thông tin có liên quan đến câu hỏi và đáp án ra ngoài phòng thi hoặc nhận thông tin từ ngoài vào phòng thi.
7. Nếu cần hỏi điều gì, phải hỏi công khai với giám thị phòng thi.
8. Trong thời gian làm bài thi, thí sinh không được ra ngoài phòng thi, nếu thí sinh có đau, ốm bất thường thì phải báo cho giám thị phòng thi và giám thị phòng thi phối hợp với giám thị hành lang phải báo ngay cho Trưởng điểm thi, Ban giám sát thi xem xét, giải quyết.
9. Nghiêm cấm các hành vi làm hỏng hệ thống máy vi tính phục vụ thi; khi phát hiện máy vi tính không sử dụng được, phải kịp thời báo cho giám thị phòng thi để xem xét, giải quyết.
10. Thí sinh dự thi chỉ được rời phòng thi khi đã nộp bài và ký xác nhận vào danh sách kết quả thi của phòng thi.
Trường hợp thí sinh dự thi không ký xác nhận vào danh sách kết quả thi của phòng thi trước khi ra khỏi phòng thi thì phải nhận điểm không (0). Trường hợp giám thị phát hiện thí sinh dự thi ký thay thí sinh dự thi khác thì các thí sinh này đều phải nhận điểm không (0). Việc quyết định điểm không (0) đối với các trường hợp này do Chủ tịch Hội đồng kiểm định quyết định căn cứ vào nội dung báo cáo của Trưởng ban coi thi.
11. Thí sinh dự thi có quyền tố giác người vi phạm nội quy, quy chế với giám thị phòng thi, Trưởng ban coi thi, Phó Trưởng ban coi thi, Trưởng điểm thi, Phó Trưởng điểm thi, thành viên Hội đồng kiểm định, thành viên Ban giám sát.
Như vậy, thí sinh dự thi kiểm định chất lượng đầu vào công chức phải tuân thủ 11 quy định nêu trên.
Thông tư 17/2023/TT-BNV sẽ có hiệu lực từ ngày 15/01/2024
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.