Thẩm tra chi phí đầu tư trong dự án đầu tư được thực hiện như thế nào theo quy định pháp luật hiện hành?
- Nguyên tắc thẩm tra chi phí đầu tư được quy định như thế nào?
- Thẩm tra chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được thực hiện như thế nào?
- Thẩm tra chi phí xây dựng thực hiện như thế nào?
- Thẩm tra chi phí thiết bị trong dự án đầu tư được thực hiện như thế nào?
- Thẩm tra chi phí quản lý dự án trong dự án đầu tư như thế nào?
Nguyên tắc thẩm tra chi phí đầu tư được quy định như thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 40 Nghị định 99/2021/NĐ-CP quy định nguyên tắc thẩm tra chi phí đầu tư như sau:
- Thẩm tra tính tuân thủ các quy định về hợp đồng và quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của cấp có thẩm quyền; loại hợp đồng (không phân biệt hình thức lựa chọn nhà thầu). Kiểm tra số liệu tổng hợp chi phí và các khoản mục do chủ đầu tư lập trong báo cáo quyết toán. Trường hợp cần thiết, cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán kiểm tra hồ sơ hoàn công để xác định khối lượng công việc hoàn thành đã nghiệm thu theo quy định.
- Chi phí xây dựng công trình tạm, công trình phụ trợ phục vụ thi công, chi phí xây dựng nhà tạm để ở và điều hành thi công tại hiện trường được lập thiết kế, dự toán riêng cho hạng mục: thực hiện thẩm tra như thẩm tra gói thầu xây dựng độc lập.
- Chi phí xây dựng công trình tạm, công trình phụ trợ phục vụ thi công, chi phí xây dựng nhà tạm để ở và điều hành thi công tại hiện trường được tính theo tỷ lệ (%) trong gói thầu xây dựng chính (không lập thiết kế, dự toán riêng): thẩm tra việc áp dụng tỷ lệ (%) trên cơ sở kết quả thẩm tra gói thầu xây dựng chính.
- Trường hợp chi phí xây dựng công trình tạm, công trình phụ trợ phục vụ thi công, chi phí xây dựng nhà tạm để ở và điều hành thi công tại hiện trường được tính trọn gói: thẩm tra như thẩm tra gói thầu xây dựng theo hình thức hợp đồng trọn gói.
Thẩm tra chi phí đầu tư trong dự án đầu tư
Thẩm tra chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được thực hiện như thế nào?
Nội dung thẩm tra chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được quy đinh tại khoản 2 Điều 40 Nghị định 99/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do chủ đầu tư hoặc tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện: đối chiếu giá trị đề nghị quyết toán của chủ đầu tư với dự toán kinh phí trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dự toán chi phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, danh sách chi trả cho các tổ chức, cá nhân nhận tiền bồi thường đã có chữ ký xác nhận theo quy định để xác định giá trị quyết toán. Chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường thực hiện theo quy định hiện hành về việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
- Giá trị công trình hạ tầng kỹ thuật đã có quyết định phê duyệt quyết toán của người có thẩm quyền: căn cứ quyết định phê duyệt quyết toán của người có thẩm quyền, văn bản yêu cầu thanh toán của chủ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật và chứng từ thanh toán để xác định giá trị chi phí cho phần hạ tầng kỹ thuật đã đầu tư.
Thẩm tra chi phí xây dựng thực hiện như thế nào?
Theo khoản 3 Điều 40 Nghị định 99/2021/NĐ-CP quy định thẩm tra chi phí xây dựng như sau:
(1) Đối với gói thầu do chủ đầu tư tự thực hiện:
Trường hợp chủ đầu tư ký kết hợp đồng với đơn vị hạch toán phụ thuộc để thực hiện gói thầu, việc thẩm tra gói thầu căn cứ vào hình thức giá hợp đồng và thực hiện theo quy định tại các điểm b, c, d, đ, e khoản này.
Trường hợp chủ đầu tư ký thỏa thuận giao việc cho một đơn vị thuộc chủ đầu tư để thực hiện gói thầu, việc thẩm tra thực hiện như sau:
- Đối chiếu các nội dung, khối lượng trong bảng tính giá trị đề nghị quyết toán của chủ đầu tư với biên bản nghiệm thu khối lượng để xác định khối lượng thực hiện đã nghiệm thu theo quy định của pháp luật về xây dựng.
- Đối chiếu sự phù hợp giữa đơn giá trong bảng tính giá trị đề nghị quyết toán của chủ đầu tư với đơn giá trong dự toán được duyệt.
- Giá trị quyết toán bằng khối lượng thực hiện đã nghiệm thu theo quy định nhân (x) với đơn giá đã thẩm tra.
(2) Đối với gói thầu hợp đồng theo hình thức “hợp đồng trọn gói”:
Đối chiếu nội dung công việc, khối lượng thực hiện trong bảng tính giá trị đề nghị giữa chủ đầu tư và nhà thầu (sau đây gọi là quyết toán A - B) với biên bản nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành theo các yêu cầu của hợp đồng để xác định khối lượng công việc hoàn thành đã nghiệm thu theo quy định.
Đối chiếu đơn giá trong bảng tính giá trị đề nghị quyết toán A - B với đơn giá ghi trong bảng tính giá trị hợp đồng. Trường hợp nhà thầu thực hiện đầy đủ các yêu cầu, nội dung công việc, đúng khối lượng công việc hoàn thành và đơn giá ghi trong hợp đồng, bảng tính giá hợp đồng, thì giá trị quyết toán đúng bằng giá trọn gói của hợp đồng đã ký; không tính lại khối lượng cũng như đơn giá chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quyết định trúng thầu.
(3) Đối với gói thầu hợp đồng theo hình thức “giá hợp đồng theo đơn giá cố định”:
- Đối chiếu nội dung công việc, khối lượng công việc thực hiện trong bảng tính giá trị đề nghị quyết toán A - B với biên bản nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành theo các yêu cầu của hợp đồng để xác định khối lượng công việc hoàn thành đã nghiệm thu theo quy định.
- Đối chiếu đơn giá trong bảng tính giá trị đề nghị quyết toán A - B với đơn giá cố định ghi trong bảng tính giá hợp đồng và các tài liệu kèm theo hợp đồng.
- Giá trị quyết toán bằng khối lượng công việc hoàn thành đã được nghiệm thu đúng quy định nhân (x) với đơn giá cố định ghi trong hợp đồng.
(4) Đối với gói thầu hợp đồng theo hình thức “Giá hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh” (hoặc “Giá hợp đồng theo giá điều chỉnh”):
- Căn cứ hợp đồng, xác định rõ phạm vi và phương thức điều chỉnh của hợp đồng.
- Giá trị quyết toán bằng khối lượng công việc hoàn thành đã được nghiệm thu đúng quy định nhân (x) với đơn giá quyết toán.
Trường hợp có điều chỉnh về khối lượng, phải căn cứ biên bản nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành để xác định khối lượng công việc hoàn thành đã được nghiệm thu đúng quy định.
Trường hợp điều chỉnh về đơn giá phải căn cứ nguyên tắc điều chỉnh đơn giá ghi trong hợp đồng để xác định đơn giá quyết toán.
Trường hợp điều chỉnh theo chính sách của Nhà nước phải căn cứ nội dung trong hợp đồng, các chính sách được áp dụng phù hợp với thời gian thực hiện hợp đồng (đã ghi trong hợp đồng) để xác định giá trị được điều chỉnh. Không điều chỉnh cho trường hợp kéo dài thời gian thực hiện so với thời gian trong hợp đồng đã ký do lỗi của nhà thầu gây ra.
(5) Đối với gói thầu hợp đồng theo hình thức “giá hợp đồng kết hợp”:
Hợp đồng theo hình thức “Giá hợp đồng kết hợp” phải xác định rõ phạm vi theo công trình, hạng mục công trình hoặc nội dung công việc cụ thể được áp dụng hình thức hợp đồng cụ thể: trọn gói, đơn giá cố định hoặc đơn giá điều chỉnh. Việc thẩm tra từng phần của hợp đồng, theo từng hình thức hợp đồng, tương ứng với quy định tại các điểm b, c, d khoản này.
(6) Đối với các trường hợp phát sinh chi phí: thẩm tra phải căn cứ các quy định về điều chỉnh hợp đồng tương ứng với từng loại hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.
Thẩm tra chi phí thiết bị trong dự án đầu tư được thực hiện như thế nào?
Căn cứ khoản 4 Điều 40 Nghị định 99/2021/NĐ-CP quy định thẩm tra chi phí thiết bị trong dự án đầu tư như sau:
(1) Đối với gói thầu do chủ đầu tư tự thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu:
Trường hợp chủ đầu tư ký kết hợp đồng với đơn vị hạch toán phụ thuộc để thực hiện gói thầu: việc thẩm tra gói thầu căn cứ vào hình thức giá hợp đồng và thực hiện theo quy định tại các điểm b, c, d, đ, e khoản này.
Trường hợp chủ đầu tư ký thỏa thuận giao việc cho một đơn vị thuộc chủ đầu tư để thực hiện gói thầu, việc thẩm tra thực hiện như sau:
- Đối chiếu danh mục, chủng loại, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, cấu hình, giá của thiết bị đề nghị quyết toán với biên bản nghiệm thu, dự toán chi phí thiết bị được phê duyệt để xác định giá trị quyết toán phần mua sắm thiết bị.
- Thẩm tra chi phí gia công, lắp đặt thiết bị đối với thiết bị cần gia công, cần lắp đặt theo dự toán được duyệt và được nghiệm thu đúng quy định. Giá trị quyết toán bằng khối lượng thực hiện đã được nghiệm thu đúng quy định nhân (x) với đơn giá đã thẩm tra.
- Thẩm tra các khoản chi phí liên quan: chi phí vận chuyển thiết bị từ nơi mua về đến chân công trình, chi phí lưu kho bãi, bảo quản, bảo dưỡng thiết bị, chi phí khác.
(2) Đối với gói thầu hợp đồng theo hình thức “hợp đồng trọn gói”: Đối chiếu danh mục, chủng loại, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, cấu hình, giá của thiết bị trong bảng tính giá trị đề nghị quyết toán A - B với danh mục, chủng loại, cấu hình, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, giá của thiết bị ghi trong hợp đồng, bảng tính giá hợp đồng và các biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành của hợp đồng. Nhà thầu thực hiện đầy đủ các yêu cầu, nội dung công việc, đúng khối lượng thực hiện và quy định của hợp đồng thì giá trị quyết toán đúng bằng giá trọn gói của hợp đồng đã ký. Không tính lại đơn giá chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quyết định trúng thầu.
(3) Đối với gói thầu hợp đồng theo hình thức “giá hợp đồng theo đơn giá cố định”:
- Đối chiếu danh mục, chủng loại, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, cấu hình của thiết bị trong bảng tính giá trị đề nghị quyết toán A - B với danh mục, chủng loại, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, cấu hình của thiết bị ghi trong hợp đồng, bảng tính giá hợp đồng và các tài liệu kèm theo hợp đồng với biên bản nghiệm thu khối lượng thực hiện và các yêu cầu của hợp đồng để xác định khối lượng thực hiện đã nghiệm thu theo quy định.
- Đối chiếu đơn giá trong bảng tính giá trị đề nghị quyết toán A - B với đơn giá cố định ghi trong bảng tính giá hợp đồng.
- Giá trị quyết toán bằng khối lượng thực hiện đã nghiệm thu theo quy định nhân (x) với đơn giá cố định ghi trong hợp đồng.
(4) Đối với gói thầu hợp đồng theo hình thức “Giá hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh” (hoặc “Giá hợp đồng theo giá điều chỉnh”):
Căn cứ điều kiện cụ thể của hợp đồng, xác định rõ phạm vi và phương thức điều chỉnh của hợp đồng.
Trường hợp điều chỉnh về khối lượng phải căn cứ biên bản nghiệm thu khối lượng để xác định khối lượng thực hiện đã nghiệm thu theo quy định.
Trường hợp điều chỉnh về đơn giá phải căn cứ nguyên tắc điều chỉnh đơn giá ghi trong hợp đồng để xác định đơn giá quyết toán.
Trường hợp điều chỉnh do chính sách của Nhà nước phải căn cứ nguyên tắc ghi trong hợp đồng và các chính sách được áp dụng trong thời gian thực hiện hợp đồng để xác định giá trị được điều chỉnh.
(5) Đối với gói thầu hợp đồng theo hình thức “giá hợp đồng kết hợp” cần xác định rõ phạm vi hoặc nội dung công việc cụ thể được áp dụng hình thức hợp đồng cụ thể: trọn gói, đơn giá cố định hoặc giá điều chỉnh. Việc thẩm tra từng phần của hợp đồng, theo từng hình thức hợp đồng, tương ứng với quy định tại các điểm b, c, d khoản 4 Điều này.
(6) Các trường hợp phát sinh chi phí:
Thẩm tra các trường hợp phát sinh phải căn cứ các quy định về điều chỉnh hợp đồng tương ứng với từng loại hợp đồng.
Thẩm tra chi phí quản lý dự án trong dự án đầu tư như thế nào?
Căn cứ khoản 5 Điều 40 Nghị định 99/2021/NĐ-CP quy định thẩm tra chi phí quản lý dự án trong dự án đầu tư như sau:
- Thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công.
- Việc quản lý tài sản của chủ đầu tư, ban quản lý dự án khi dự án kết thúc thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.