Phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật có phải là căn cứ để ra quyết định thanh tra không? Khi nào quyết định thanh tra được công bố?
- Phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật là căn cứ để ra quyết định thanh tra đúng không?
- Ai có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra? Quyết định thanh tra bao gồm những nội dung nào?
- Khi nào quyết định thanh tra được công bố?
- Buổi công bố quyết định thanh tra do ai chủ trì? Có những ai sẽ tham dự vào buổi công bố quyết định thanh tra?
Phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật là căn cứ để ra quyết định thanh tra đúng không?
Theo Điều 51 Luật Thanh tra 2022, căn cứ ra quyết định thanh tra được quy định như sau:
Căn cứ ra quyết định thanh tra
Việc ra quyết định thanh tra phải có một trong các căn cứ sau đây:
1. Kế hoạch thanh tra;
2. Yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước;
3. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
4. Yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;
5. Căn cứ khác có liên quan theo quy định của luật.
Như vậy, theo quy định trên thì phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật được xác định là một trong những căn cứ để quyết định thanh tra được đưa ra.
Phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật có phải là căn cứ để ra quyết định thanh tra không? Khi nào quyết định thanh tra được công bố? (Hình từ Internet)
Ai có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra? Quyết định thanh tra bao gồm những nội dung nào?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 59 Luật Thanh tra 2022 quy định như sau:
Ban hành quyết định thanh tra
1. Thủ trưởng cơ quan thanh tra căn cứ quy định tại Điều 51 của Luật này ban hành quyết định thanh tra.
Như vậy, Thủ trưởng cơ quan thanh tra là người có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra. Việc ban hành quyết định thanh tra sẽ được thực hiện dựa trên 01 trong các căn cứ theo Điều 51 Luật Thanh tra 2022 và phải được gửi đến đối tượng thanh tra trước ngày tiến hành thanh tra trực tiếp.
Về nội dung của quyết định thanh tra, khoản 2 Điều 59 Luật Thanh tra 2022 có đề cập:
Ban hành quyết định thanh tra
...
2. Quyết định thanh tra bao gồm các nội dung sau đây:
a) Căn cứ ra quyết định thanh tra;
b) Phạm vi, nội dung, đối tượng, thời kỳ thanh tra, nhiệm vụ thanh tra;
c) Thời hạn thanh tra;
d) Thành lập Đoàn thanh tra, bao gồm Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra (nếu có), thành viên khác của Đoàn thanh tra.
Như vậy, văn bản quyết định thanh tra được lập theo 04 nội dung nêu trên.
Khi nào quyết định thanh tra được công bố?
Căn theo Điều 49 Luật Thanh tra 2022 về trình tự tiến hành thanh tra hành chính như sau:
Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính
1. Chuẩn bị thanh tra, bao gồm các bước sau đây:
a) Thu thập thông tin để chuẩn bị thanh tra;
b) Ban hành quyết định thanh tra;
c) Xây dựng và gửi đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo;
d) Thông báo về việc công bố quyết định thanh tra.
2. Tiến hành thanh tra trực tiếp, bao gồm các bước sau đây:
a) Công bố quyết định thanh tra;
b) Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra;
c) Kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu;
d) Kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp.
3. Kết thúc cuộc thanh tra, bao gồm các bước sau đây:
a) Báo cáo kết quả thanh tra;
b) Xây dựng dự thảo kết luận thanh tra;
c) Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra;
d) Ban hành kết luận thanh tra;
đ) Công khai kết luận thanh tra.
Đồng thời, khoản 1 Điều 50 Luật Thanh tra 2022 cũng quy định như sau:
Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành
1. Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành được quy định như sau:
a) Chuẩn bị thanh tra, bao gồm: ban hành quyết định thanh tra; thông báo về việc công bố quyết định thanh tra, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 63 của Luật này.
Trường hợp để bảo đảm việc thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp, trước khi ban hành quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra có thể quyết định việc thu thập thông tin theo quy định tại Điều 58 của Luật này;
b) Tiến hành thanh tra trực tiếp, bao gồm: công bố quyết định thanh tra, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 64 của Luật này; thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình thanh tra (nếu có); kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp;
c) Kết thúc cuộc thanh tra, bao gồm: báo cáo kết quả thanh tra; xây dựng dự thảo kết luận thanh tra; thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, trừ trường hợp không cần thiết phải thẩm định quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật này; ban hành kết luận thanh tra; công khai kết luận thanh tra.
Từ những quy định trên, có thể xác định: Công bố quyết định thanh tra được thực hiện ngay sau khi quá trình chuẩn bị thanh tra và hoạt động thông báo về việc công bố quyết định thanh tra được diễn ra.
Buổi công bố quyết định thanh tra do ai chủ trì? Có những ai sẽ tham dự vào buổi công bố quyết định thanh tra?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 64 Luật Thanh tra 2022, Người thực hiện chủ trì buổi công bố quyết định thanh tra là Trưởng đoàn thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra (trong trường hợp cần thiết).
Về thành phần tham dự, khoản 2 Điều 64 Luật Thanh tra 2022 quy định như sau:
Công bố quyết định thanh tra
..
2. Thành phần tham dự buổi công bố quyết định thanh tra bao gồm: Đoàn thanh tra, đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân là đối tượng thanh tra. Trong trường hợp cần thiết, Trưởng đoàn thanh tra mời đại diện lãnh đạo cơ quan tiến hành thanh tra, đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự buổi công bố quyết định thanh tra.
Việc công bố quyết định thanh tra phải được lập thành biên bản.
Theo đó, những chủ thể tham gia buổi công bố quyết định thanh tra bao gồm:
- Đoàn thanh tra
- Đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân là đối tượng thanh tra.
- Đại diện lãnh đạo cơ quan tiến hành thanh tra, đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (trong trường hợp cần thiết).
Như vậy, việc xác định chủ trì buổi công bố quyết định thanh tra và các thành phần tham dự được thực hiện theo quy định trên.
Luật Thanh tra 2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.