Nhà ở phục vụ tái định cư có những nguyên tắc phát triển như thế nào theo quy định tại Luật Nhà ở 2023?
Nhà ở phục vụ tái định cư có những nguyên tắc phát triển như thế nào theo quy định tại Luật Nhà ở 2023?
Căn cứ theo Điều 49 Luật Nhà ở 2023 thì nhà ở phục vụ tái định cư có những nguyên tắc phát triển như sau:
- Việc bố trí nhà ở phục vụ tái định cư đối với trường hợp di dời đến nơi ở mới phải được thực hiện trước khi thu hồi, giải tỏa nhà ở, trừ trường hợp người dân tự nguyện bàn giao nhà ở trước khi được bố trí nhà ở phục vụ tái định cư, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có nhà ở bị thu hồi, giải tỏa và nhà đầu tư theo quy định của pháp luật;
- Nhà ở phục vụ tái định cư phải bảo đảm có điều kiện bằng hoặc tốt hơn nhà ở bị thu hồi, giải tỏa;
- Trường hợp giải tỏa nhà ở để xây dựng công trình khác theo quy hoạch đã được phê duyệt tại đô thị loại I, tại phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt thì thực hiện bố trí nhà ở phục vụ tái định cư cho người có nhà ở bị giải tỏa theo một trong các hình thức quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 48 Luật Nhà ở 2023 nếu người dân có nhu cầu tái định cư tại đô thị loại I, tại phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt;
- Trường hợp người dân không có nhu cầu tái định cư tại đô thị loại I, tại phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt thì căn cứ điều kiện của địa phương, việc bố trí tái định cư được thực hiện theo một trong các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Nhà ở 2023;
Lưu ý: Trường hợp tái định cư theo hình thức mua, thuê mua nhà ở xã hội thì người được tái định cư được ưu tiên bố trí nhà ở xã hội.
- Trường hợp giải tỏa nhà ở để xây dựng công trình khác theo quy hoạch đã được phê duyệt tại khu vực không thuộc quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật Nhà ở 2023 thì căn cứ điều kiện của địa phương và nhu cầu của người được tái định cư, việc bố trí tái định cư được thực hiện theo một trong các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Nhà ở 2023;
- Trường hợp giải tỏa nhà ở để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại hoặc nhà ở xã hội mà người có nhà ở bị giải tỏa có nhu cầu tái định cư tại chỗ thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải bố trí nhà ở thương mại hoặc nhà ở xã hội ngay trong dự án đó để phục vụ tái định cư.
- Trường hợp phá dỡ nhà chung cư để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, khu chung cư (sau đây gọi chung là dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư) thì việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện theo quy định tại Chương V Luật Nhà ở 2023.
- Trường hợp xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư theo dự án thì phải lập và phê duyệt thành dự án riêng, không thực hiện dự án hỗn hợp với các loại hình nhà ở thương mại, nhà ở công vụ, nhà ở xã hội, trừ trường hợp dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;
Lưu ý: Đối với khu vực nông thôn thì dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư phải bao gồm cả việc bố trí quỹ đất để phục vụ sản xuất cho người thuộc trường hợp được tái định cư.
- Trường hợp thuộc diện được bồi thường bằng quyền sử dụng đất cho người được tái định cư thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Nhà ở phục vụ tái định cư có những nguyên tắc phát triển như thế nào theo quy định tại Luật Nhà ở 2023? (Hình từ internet)
Quy định về quỹ đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư ra sao?
Căn cứ theo Điều 50 Luật Nhà ở 2023 có quy định về quỹ đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư như sau:
- Việc bố trí diện tích đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư phải tuân thủ các yêu cầu về quỹ đất để phát triển nhà ở được quy định tại Điều 32 Luật Nhà ở 2023 và quy định của pháp luật về đất đai.
- Quỹ đất để lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư được xác định trong quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 theo nguyên tắc về phát triển nhà ở phục vụ tái định cư được quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở 2023.
- Việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về chất lượng của nhà ở phục vụ tái định cư?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 53 Luật Nhà ở 2023 như sau:
Yêu cầu đối với nhà ở phục vụ tái định cư
...
4. Tổ chức, cá nhân sau đây chịu trách nhiệm về chất lượng của nhà ở phục vụ tái định cư:
a) Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư;
b) Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở được dùng bố trí tái định cư;
c) Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư theo quy định của pháp luật.
...
Như vậy theo quy định trên thì những tổ chức, cá nhân sau đây phải chịu trách nhiệm về chất lượng của nhà ở phục vụ tái định cư:
- Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư;
- Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở được dùng bố trí tái định cư;
- Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư theo quy định của pháp luật.
Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
Vừa qua, đã có dự thảo đề xuất Luật Nhà ở 2023 sẽ có hiệu lực sớm từ ngày 01 tháng 08 năm 2024. Nếu Dự thảo được thông qua thì Luật Nhà ở 2023 sẽ có hiệu lực sớm từ 1/8/2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.