Mức phạt hành chính đối với hành vi hủy hoại đất mới nhất hiện nay theo Nghị định 123 2024 thế nào?
Mức phạt hành chính đối với hành vi hủy hoại đất mới nhất hiện nay theo Nghị định 123 2024 thế nào?
Căn cứ Điều 14 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định mức phạt hành chính đối với hành vi hủy hoại đất như sau:
- Hành vi làm suy giảm chất lượng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây: làm mất hoặc giảm độ dày tầng đất đang canh tác; làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn cát, sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng; gây bạc màu, gây xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp mà dẫn đến làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất đã được xác định thì hình thức và mức xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 02 đến 05 triệu đồng đối với diện tích đất dưới 0,05 héc ta;
+ Phạt tiền từ 05 đến 10 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
+ Phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
+ Phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
+ Phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng đối với diện tích đất từ 01 héc ta trở lên.
- Hành vi làm biến dạng địa hình thuộc một trong các trường hợp sau đây: thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt đất; san lấp đất có mặt nước chuyên dùng (trừ hồ thủy lợi) hoặc san lấp nâng cao, hạ thấp bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định (trừ trường hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa, cải tạo đất nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê, được công nhận quyền sử dụng đất hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận) thì hình thức và mức xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 05 đến 10 triệu đồng đối với diện tích đất dưới 0,05 héc ta;
+ Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
+ Phạt tiền từ 20 đến 50 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
+ Phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
+ Phạt tiền từ 100 đến 200 triệu đồng đối với diện tích đất từ 01 héc ta trở lên.
- Hành vi gây ô nhiễm đất thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
- Đối với các hành vi vi phạm mà thuộc trường hợp không có tính khả thi để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm theo quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định 123/2024/NĐ-CP thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền tương ứng quy định tại khoản 1, 2 Điều 14 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, nhưng tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.
- Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 Nghị định 123/2024/NĐ-CP như sau:
Trường hợp vi phạm còn bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp việc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm không có tính khả thi trên thực địa. UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để quy định các trường hợp không có tính khả thi và mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.
Theo đó, mức phạt hành chính đối với hành vi hủy hoại đất được thực hiện theo quy định như đã nêu trên.
*Lưu ý: Mức phạt tiền theo quy định nêu trên được áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm (theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP)
Mức phạt hành chính đối với hành vi hủy hoại đất mới nhất hiện nay theo Nghị định 123 2024 thế nào? (Ảnh từ internet)
Khi nào sẽ thu hồi đất của người có hành vi hủy hoại đất?
Căn cứ Điều 81 Luật Đất đai 2024, các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai được quy định như sau:
Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai
1. Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm.
2. Người sử dụng đất hủy hoại đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất mà tiếp tục vi phạm.
3. Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền.
4. Đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà người được giao đất, cho thuê đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này.
5. Đất được Nhà nước giao quản lý mà để bị lấn đất, chiếm đất.
6. Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
7. Đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản không được sử dụng trong thời gian 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời gian 18 tháng liên tục, đất trồng rừng không được sử dụng trong thời gian 24 tháng liên tục và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không đưa đất vào sử dụng theo thời hạn ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
8. Đất được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng không quá 24 tháng và phải nộp bổ sung cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian được gia hạn; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại.
9. Các trường hợp quy định tại các khoản 6, 7 và 8 Điều này không áp dụng đối với trường hợp bất khả kháng.
10. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó, người sử dụng đất khi có hành vi hủy hoại đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất mà tiếp tục vi phạm sẽ bị thu hồi đất.
Thông báo thu hồi đất đối với cá nhân sử dụng đất hủy hoại đất mà tiếp tục vi phạm có hiệu lực bao lâu?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 85 Luật Đất đai 2024 có quy định như sau:
Thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
...
2. Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong khu vực thu hồi đất đồng ý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất trước thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất mà không phải chờ đến hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có trách nhiệm phối hợp với đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong quá trình điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
4. Khi quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt được công bố công khai, người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phải chấp hành quyết định thu hồi đất.
5. Hiệu lực của thông báo thu hồi đất là 12 tháng tính từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất.
Như vậy, hiệu lực của thông báo thu hồi đất đối với cá nhân sử dụng đất hủy hoại đất mà tiếp tục vi phạm sẽ là 12 tháng tính từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.